(HNM) - Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội đã khép lại, song dư âm của nó vẫn còn. Trước số lượng đông đảo ca nương, kép đàn trẻ tham gia liên hoan, người tỏ ra vui mừng khi thấy di sản dần thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, người cho rằng để có “đất diễn” cho ca trù thì không thể không có một cơ chế
Nguyễn Thục Trinh - thí sinh nhỏ tuổi nhất (7 tuổi ) tham dự Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội 2016 vừa qua. |
- Thưa ông, ca trù là nghệ thuật bác học, quá trình bảo tồn, phát triển rất cần có sự chắt lọc tinh hoa. Trên thực tế, nhiều câu lạc bộ, nhóm ca trù đã và đang hình thành, hoạt động mạnh mẽ và điều đó khiến người ta lo ngại ca trù bị “quần chúng hóa”. Ông đánh giá như thế nào về điều này?
- Đúng là nghệ thuật ca trù đang có sự hồi sinh, phát triển mạnh mẽ. Người thường xuyên thực hành di sản hiện nay lên đến con số hàng trăm, tăng khoảng 20 lần so với thời điểm ca trù chưa được UNESCO vinh danh. Chúng ta nên mừng vì sự phát triển rộng khắp này, bởi điều đó cho thấy người dân rất yêu nghệ thuật ca trù. Khi những người yêu ca trù tự nguyện tập hợp lại thành các nhóm, các câu lạc bộ (CLB) để sinh hoạt, giao lưu, trao đổi thì tài năng ca trù sẽ xuất hiện. Bằng chứng là các tài năng xuất sắc tại liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội vừa qua như Nguyễn Thu Thảo (giáo phường Ca trù Thái Hà), Nguyễn Thục Trinh, Đinh Thị Vân (CLB Ca trù Lỗ Khê, huyện Đông Anh), Đoàn Linh Hương (CLB Ca trù Thăng Long)… đều trưởng thành từ các câu lạc bộ. Nói cách khác, hoạt động của các CLB, nhóm ca trù là bệ đỡ cho những tài năng ca trù tỏa sáng và những tài năng này chính là tinh hoa của ca trù, là lực lượng hạt nhân tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản ca trù.
- Như ông vừa nói thì những tài năng ca trù giữ vai trò quyết định đối với sự tồn tại, phát triển của Di sản văn hóa phi vật thể này?
- Đúng vậy! Thông thường, di sản phi vật thể muốn “sống” được thì phải được cộng đồng nuôi dưỡng, giữ gìn. Riêng với ca trù lại khác. Ca trù là nghệ thuật chuyên nghiệp và có những quy chuẩn nhất định. Các tài năng ca trù dù được đào tạo, bồi dưỡng, trưởng thành từ đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp hay quần chúng đều phải tuân theo những quy chuẩn ấy nên họ hoàn toàn có thể “tung cánh” bay xa, có thể truyền dạy cho nhiều nhóm đối tượng. Do đó, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản ca trù có sự khác biệt so với các di sản khác.
Trước thực trạng thiếu hụt ca nương, kép đàn trẻ ở nhiều nơi, tôi cho rằng các cơ quan chức năng nên chú trọng đào tạo, bồi dưỡng lớp tài năng trẻ. Hiện lớp nghệ nhân gạo cội, nắm giữ vốn di sản đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhiều người muốn truyền dạy nhưng không thể truyền đạt hết được nên việc chuyển giao thế hệ cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Song song với việc tạo điều kiện, khuyến khích các CLB hoạt động, các cơ quan chức năng nên tạo nhiều “đất diễn” cho nghệ thuật ca trù, để các tài năng ca trù có cơ hội thăng hoa, tỏa sáng.
- Thưa ông, như ông đã biết, ca trù đã được biểu diễn thường xuyên tại một số địa điểm, nhưng lượng khách không nhiều. Vậy theo ông, đâu là “đất diễn” thích hợp của nghệ thuật ca trù?
- Đó có thể là các cuộc liên hoan, chương trình giao lưu hoặc các buổi diễn tại những điểm cố định để phục vụ một nhóm khán giả. “Đất diễn” của ca trù không nhất thiết phải là các sân khấu lớn vì nghệ thuật này vốn kén người nghe, song cũng cần được tổ chức thường xuyên hơn để các CLB có cơ hội học hỏi, giao lưu, rút kinh nghiệm và tự hoàn thiện. Như tôi đã nói, để có “đất diễn” cho ca trù thì không thể không có một cơ chế, chính sách phù hợp.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.