(HNM) - Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là tin vui lớn với những người nghèo cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng, đặc biệt những người yếu thế, có thu nhập thấp, mất việc… Vấn đề này đang nhận được sự quan tâm, kỳ vọng và ủng hộ của người dân, cũng như mong muốn các cấp, ngành, địa phương sẽ thực hiện hiệu quả để các khoản hỗ trợ trên đến đúng, trúng đối tượng sớm nhất.
Triển khai nghị quyết trên, hiện nhiều quận, huyện ở Hà Nội đã chủ động rà soát, lập danh sách các đối tượng được thụ hưởng. Đến nay, thành phố đã xác định được hơn 315.000 đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng thuộc diện được hỗ trợ. Đồng thời, các địa phương cũng đang điều tra, rà soát các nhóm đối tượng khác để có phương án trợ giúp phù hợp.
Theo nghị quyết, gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhằm chia sẻ, hỗ trợ các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm; không bảo đảm được mức sống tối thiểu; hỗ trợ thêm để nâng cao đời sống một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thời gian dịch bệnh. Việc triển khai gói hỗ trợ có ý nghĩa to lớn trong bảo đảm an sinh, góp phần giữ vững ổn định xã hội; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội đối với người dân gặp khó khăn do dịch bệnh.
Để tổ chức thực hiện tốt chính sách nhân văn trên, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần khẩn trương. Trong đó, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể, tổ trưởng tổ dân phố được nhấn mạnh nhằm cùng rà soát, lập danh sách, không bỏ sót đối tượng được thụ hưởng.
Là địa bàn đông dân cư, đối tượng nhiều và đa dạng nên khi triển khai gói hỗ trợ này, việc bảo đảm đúng người là một trong những việc khó của Hà Nội. Do vậy, muốn làm tốt điều này, những người được giao nhiệm vụ rà soát đối tượng phải nắm rõ từng trường hợp, từ đó tổng hợp, theo dõi, lên danh sách đối chiếu với nhiều nguồn để loại trừ những trường hợp trùng lắp, khai gian dối...
Bên cạnh đó, việc công bố danh sách phải công khai, minh bạch từ tổ dân phố, thôn, xóm và niêm yết công khai ở cấp xã, phường để người dân cùng giám sát, theo dõi. Để tránh gian lận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận phải tăng cường giám sát, theo dõi ngay từ khâu rà soát, lập danh sách, xét duyệt đến khâu chi trả. Ngoài ra, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm để xóa bỏ việc trục lợi chính sách.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cao, vì vậy, các địa phương xây dựng có kế hoạch cụ thể sao cho nhân lực làm nhiệm vụ chi trả hỗ trợ thực hiện cách ly xã hội, để phòng chống nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Đây là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn lớn của Đảng, Nhà nước dành cho người gặp khó khăn, vì thế mỗi cán bộ được giao nhiệm vụ ngoài việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, còn phải đề cao đạo đức công vụ, lòng nhân ái với người yếu thế. Với những đối tượng được thụ hưởng chính sách trên, cần tìm hiểu, cung cấp, kê khai thông tin chính xác để giúp việc lập danh sách nhanh gọn, đúng đối tượng.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, hơn bao giờ hết, chính sách trên cần được triển khai có hiệu quả nhằm đưa các khoản hỗ trợ sớm đến tay những người thuộc diện khó khăn để giúp họ vượt qua giai đoạn dịch Covid-19. Chúng ta cần nỗ lực thực hiện nhiệm vụ này để vừa đạt được mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19 vừa bảo đảm trật tự, an sinh xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.