(HNM) - Việt Nam đã, đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng và một trong những "mặt trận" quan trọng được xác định là hội nhập kinh tế. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: "…hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế…".
Đảng, Nhà nước đã sớm chủ động xây dựng, ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phát huy thế mạnh để phát triển, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Một trong những minh chứng rõ nét nhất là cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được phát động từ năm 2009.
Sau gần 7 năm thực hiện, cuộc vận động đã tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Chất lượng hàng Việt Nam ngày càng được nâng cao, lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng, giành lại "vị thế" trong các cửa hàng bán lẻ, siêu thị… Một số doanh nghiệp đã đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, từng bước khẳng định thương hiệu như: Viettel, Tập đoàn Dầu khí, Hoàng Anh Gia Lai… và mới đây nhất là TH.
Thế nhưng, thẳng thắn nhận định, chúng ta chưa thể hài lòng với những kết quả đã đạt được. Các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia không "giậm chân tại chỗ" chờ doanh nghiệp Việt Nam cùng tiến. Có thể nói, việc các tập đoàn bán lẻ quốc tế rầm rộ thâm nhập với tham vọng chiếm lĩnh thị trường nội địa thời gian qua là minh chứng. Trong "cuộc chơi" quốc tế, không thể chỉ vận động suông, kêu gọi phát huy tinh thần dân tộc thuần túy mà phải bằng chất lượng, giá thành sản phẩm. Rõ ràng, hành trình hội nhập trước mắt đầy khó khăn, thử thách, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn, không chỉ của các doanh nghiệp.
Chấn hưng nền kinh tế là đòi hỏi cấp bách. Thời gian qua, Chính phủ đã có những điều chỉnh chính sách kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là về cải cách hành chính nhằm hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực. Đặc biệt, việc hải quan thực hiện hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS) đã giúp đơn giản thủ tục theo chuẩn mực quốc tế, nhờ đó thời gian thông quan bình quân đã giảm từ 21 ngày xuống còn 13-14 ngày.
Doanh nghiệp FDI cũng đánh giá cao những tiến bộ về cải cách hành chính, thu hút đầu tư của Việt Nam. Theo một khảo sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, hơn 80% doanh nghiệp tại 6 tỉnh, thành phố được khảo sát đánh giá hài lòng với cải cách thuế, hải quan trong 2 năm qua. Thế nhưng, theo Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, thời gian thông quan chỉ chiếm khoảng 28%, còn lại phụ thuộc vào các cơ quan chức năng khác. Như vậy, chấn chỉnh lề lối làm việc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tiếp tục là một đòi hỏi quan trọng.
Chưa đầy một tháng kể từ khi tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội, ngày 29-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng đã gặp gỡ, đối thoại với hàng nghìn doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân để tìm cách tháo gỡ vướng mắc phát triển. Tại cuộc gặp này, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý hành chính, đẩy mạnh cải cách, chống tham nhũng, tiêu cực...
Thế nhưng, các doanh nghiệp cũng cần khẩn trương, sáng tạo, chủ động phát huy năng lực sở trường để có những sản phẩm bảo đảm chất lượng, không chỉ đáp ứng yêu cầu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu. Phần lớn các tập đoàn quốc tế, xuyên quốc gia lớn trên thế giới đều có xuất phát điểm là những doanh nghiệp tư nhân như: Toyota, Honda, Sony, Hyundai, Samsung… Trước đây, một số ngành đã có những đề án rất tham vọng nhưng kết quả không như ý. Một số doanh nghiệp tư nhân nỗ lực thực hiện "mộng lớn" cũng thất bại. Một trong những nguyên nhân là "dùng sở đoản, bỏ sở trường". Cũng không ít doanh nghiệp đã chấp nhận "làm thuê" thay vì đầu tư, phát triển căn cơ, bài bản, từ nội lực. Cách nghĩ, cách làm "ăn xổi, ở thì" thực sự không phù hợp trong giai đoạn hội nhập sâu rộng.
Muốn chấn hưng, phát triển, trước hết phải chấn chỉnh những chệch choạc, hạn chế. Và, công việc này đòi hỏi sự nỗ lực, nhận thức, hành động đúng đắn không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước mà phải từ mỗi doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.