(HNM) - “Xe rộng rãi, thoáng, tốc độ vừa phải, an toàn, bảo đảm thời gian di chuyển, kể cả trong giờ cao điểm, thái độ phục vụ văn minh…”. Đó là chia sẻ của những hành khách đầu tiên trên tuyến buýt nhanh BRT (Bus Rapid Transit) Kim Mã - Yên Nghĩa mà phóng viên Hànộimới trò chuyện trong những ngày đầu BRT chính thức
Háo hức đi buýt nhanh!
Đúng 14h30 ngày 31-12-2016, chuyến buýt nhanh mang biển số 29B-148.08 bắt đầu khởi hành từ trạm Yên Nghĩa hướng về trạm Kim Mã. Vì là ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Dương lịch nên mật độ phương tiện giao thông khá thấp, thuận lợi cho xe lăn bánh theo đúng lịch trình.
Hành khách trên tuyến buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa. |
Với những động tác thuần thục, lái xe Trương Cao Tuyên (Xí nghiệp Buýt BRT) điều khiển chiếc xe chạy qua đường Quang Trung và lần lượt đỗ để đón trả khách tại nhà chờ Ba La, nhà chờ Văn La. Xe rẽ sang đường Lê Trọng Tấn, đường Tố Hữu (Hà Đông) với tốc độ khá nhanh vì đường vắng, hầu hết phương tiện tham gia giao thông đều nhường đường cho buýt nhanh. Đến nhà chờ Lương Thế Vinh, gần ngã tư Tố Hữu - Khuất Duy Tiến phương tiện đông hơn, tuy nhiên chiếc xe vẫn di chuyển dễ dàng vào đường Lê Văn Lương, Láng Hạ, Giảng Võ và bon nhanh về trạm cuối Kim Mã. “Bây giờ là 15h13, chuyến xe đi mất tổng cộng 43 phút, bảo đảm thời gian đã đề ra!” - anh Trương Cao Tuyên, người tài xế có nhiều năm kinh nghiệm lái xe buýt ở Hà Nội hồ hởi thông báo.
Là hành khách cuối cùng rời khỏi chuyến buýt nhanh biển số 29B-148.08, bà Nguyễn Thị Nhâm (65 tuổi, ở 189 Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Xe buýt nhanh sạch sẽ, hiện đại, đi êm, an toàn, không bị phanh gấp như buýt thường. Hệ thống loa đọc tên nhà chờ tiếp theo cùng các tuyến kết nối rõ ràng, chi tiết, rất thuận lợi cho những người cao tuổi như chúng tôi”.
Sau đợt nghỉ Tết Dương lịch, vào giờ cao điểm sáng 3-1-2017, phóng viên Hànộimới tiếp tục trải nghiệm trên xe buýt nhanh biển số 29B-154.30, xuất phát từ trạm Yên Nghĩa. Đúng 7h55, tài xế Văn Công Phong cho xe chuyển bánh. Là ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết nên đường khá đông, tuy vậy trên đường Quang Trung, Lê Trọng Tấn, Tố Hữu (quận Hà Đông) xe vẫn di chuyển dễ dàng. “Các cô, các bác cứ yên tâm, xe sẽ chạy đúng thời gian quy định khoảng 42 đến 45 phút. Từ sáng đến giờ cháu đã chạy 2 chuyến và đều rất thuận lợi” - tài xế Văn Công Phong khẳng định khi nghe thấy một số băn khoăn của hành khách có mặt trên xe.
Xe đến ngã tư Tố Hữu - Vạn Phúc bắt đầu có hiện tượng ùn ứ phương tiện, thậm chí có một số xe máy, ô tô liều lĩnh lấn làn buýt nhanh. Càng đi gần về phía trạm Kim Mã, nhất là qua các điểm giao cắt Tố Hữu - Trung Văn, Tố Hữu - Lương Thế Vinh, Tố Hữu - Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương - Nguyễn Tuân, Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy, cầu vượt Láng, Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng, Láng Hạ - La Thành, Giảng Võ - Hào Nam liên tục xảy ra tình trạng ùn ứ, hiện tượng người tham gia giao thông lấn làn xuất hiện nhiều hơn.
Tuy nhiên, tài xế Văn Công Phong chia sẻ: “Đây chỉ là số ít, đa số người dân đã bắt đầu có ý thức ưu tiên cho buýt nhanh. Hơn nữa lái xe cũng được sự hỗ trợ tích cực từ lực lượng thanh tra, cảnh sát giao thông nên di chuyển dễ dàng hơn xe buýt thường”. Chị Nguyễn Thị Hòa (ở Do Lộ, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch TP Hà Nội ở phố Trịnh Hoài Đức trong ngày đầu tiên đi làm của năm mới 2017 đã chọn buýt nhanh, nhận xét: “Tôi thấy đi buýt nhanh rất văn minh, hiện đại và an toàn. Tôi sẽ chọn xe này cho việc di chuyển đến cơ quan trong thời gian tới”.
Còn ông Quách Dũng (ở số nhà 18, phố Nguyễn Huy Tự, quận Hai Bà Trưng) đánh giá rất cao loại hình vận tải công cộng mới mẻ và hiện đại này. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, ông Dũng và bạn bè đã từng nhiều lần đi xe điện từ Bờ Hồ vào Hà Đông, nay có buýt nhanh thực sự là bước tiến rất lớn trong việc phục vụ đi lại bằng phương tiện công cộng cho người dân Thủ đô. “Thời điểm này thì BRT không thể chê vào đâu được! Hơn 14km, đường đông mà đi khoảng hơn 40 phút là khá nhanh. Mỗi người nhìn thấy sự tiện lợi của xe buýt nhanh thì phương tiện cá nhân sẽ tự động giảm. Chúng ta hướng đến một Hà Nội văn minh, hiện đại bằng những hành động nhỏ như đi xe buýt hằng ngày”.
Rất cần sự ủng hộ từ người dân
Những ngày đầu vận hành, vào giờ cao điểm, BRT gặp khá nhiều khó khăn khi trước mặt là ô tô, xe máy lấn làn, sau lưng là rồng rắn xe máy bám theo. Cũng đã có những sự cố xảy ra như ngày 4-1, một xe ô tô con lấn làn đã va chạm làm vỡ cửa kính của buýt nhanh BRT; trước đó, ngày 3-1, một video clip được công bố quay cảnh một phụ nữ đi xe máy hàng cây số trên làn đường dành riêng cản trở hoạt động của buýt nhanh BRT. Nhưng lan truyền trong cộng đồng cũng có nhiều hình ảnh rất đẹp. Đó là những hàng dài ô tô thẳng tắp, ngay ngắn trong khi làn đường BRT đang trống. Rõ ràng, sự trật tự ấy chỉ có thể đến từ ý thức người tham gia giao thông đang có sự thay đổi.
Có thể nói, BRT dù mới ở giai đoạn thí điểm nhưng lại mang một sứ mệnh rất lớn. Với một thành phố gần chục triệu dân, với một tuyến hướng tâm Lê Văn Lương - Giảng Võ thường xuyên ùn tắc, 35 chiếc xe BRT chưa thể giải quyết được ngay nhưng sẽ góp phần làm thay đổi ý thức người tham gia giao thông và từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân.
Các chuyên gia giao thông cho rằng, để BRT hoạt động hiệu quả, nhất định phải có làn đường riêng, với những ưu tiên về hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Tức là suốt quãng đường vận hành, đèn tín hiệu giao thông tại mỗi nút giao sẽ nhận diện BRT để bảo đảm chuyển sang đèn xanh khi BRT đến gần. Từ trước đến nay, xe buýt chưa hấp dẫn người dân bởi phải trầy trật trên từng mét đường. Nên với BRT, hẳn nhiều người sẽ nghĩ hay là tạm bỏ phương tiện cá nhân để đi phương tiện công cộng. Khi đó, tuyến thí điểm sẽ tạo sức bật để thành phố làm thêm những tuyến BRT khác, kết hợp với hai tuyến đường sắt đô thị đang sắp hoàn thành và các tuyến đường sắt đô thị trong quy hoạch sau này để dần tạo thành một hệ thống vận tải công cộng tiên tiến.
Trả lời câu hỏi, phải làm gì để buýt nhanh BRT hoạt động hiệu quả đúng như mục tiêu dự án? ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GT-VT Hà Nội) cho biết, thành phố đang tính toán khắc phục các bất hợp lý tại từng nút giao, từng nhịp đèn tín hiệu giao thông để tăng được năng lực vận hành, qua đó rút ngắn thời gian chạy trên tuyến.
Theo thống kê của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), trong những ngày đầu tiên khai trương đã có hàng nghìn lượt khách đi lại bằng BRT với 264 lượt xe, hơn 8.000 vé miễn phí được phát tới người dân, bình quân có khoảng trên 30 khách/lượt xe.
Dự kiến, trong 15 ngày đầu, các lực lượng chức năng của thành phố sẽ tập trung phân luồng, hướng dẫn giao thông và nhắc nhở người điều khiển phương tiện lấn làn xe buýt nhanh BRT chứ chưa xử phạt. Song, pháp luật phải được tuân thủ nghiêm minh nhằm tăng sức răn đe. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, hành vi lấn làn, tạt đầu xe buýt BRT còn nhiều là bởi tuyên truyền, giáo dục pháp luật chưa thực sự tốt. Người dân cũng chưa quen với việc phải nhường đường cho BRT nên càng phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận và ủng hộ từ người dân...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.