(HNM) - Khi đề án "Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) giai đoạn 2012-2020" của Bộ VH,TT&DL được Chính phủ phê duyệt, tín hiệu vui lan rộng trong giới văn nghệ sĩ và người dân. 10.800 tỷ đồng tưởng nhiều nhưng trải đều ra cho 143 công trình văn hóa cả nước thì liệu Hà Nội sẽ có một bộ mặt văn hóa mới?
|
Tháng 8 là một trong những rạp chiếu phim ở Hà Nội mới được nâng cấp. Ảnh: Như Ý |
Ảm đạm
Hà Nội - Thủ đô của cả nước đương nhiên là nơi được chú ý, thụ hưởng sự thay đổi nhiều nhất trong việc xây mới, sửa chữa các công trình văn hóa. Nơi đây, mấy chục năm rồi, số công trình văn hóa nhà nước được xây mới đếm trên đầu ngón tay. Việc cải tạo, nâng cấp một vài công trình chỉ là sự "chạy theo" mà vẫn ì ạch, nên đến khi xong, chúng trở nên lỗi thời.
NSND Đặng Thái Sơn đã mang dự án âm nhạc "để đời" của ông về Việt Nam trong hai đêm 15 và 18-1 với 5 bản concerto bất hủ của Beethoven cho piano và dàn nhạc. Khao khát được thưởng thức chương trình ấy có ở cả nghìn người, nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội không thể đáp ứng. Nghệ sĩ violon Bùi Công Duy đã quyết định mời dàn nhạc Berliner Symphoniker gồm hơn 60 nghệ sĩ sang Việt Nam biểu diễn sau 3 năm về nước nung nấu ý định đem đến cho người dân nhiều cơ hội thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao. Không thể tìm được nơi lý tưởng hơn Nhà hát Lớn để tổ chức, song chỉ có hơn 500 khán giả đã chật kín cả 3 tầng. Đương nhiên, người tổ chức chịu lỗ. Việc mời các nghệ sĩ, đơn vị biểu diễn nổi tiếng đến Việt Nam bấy lâu không phụ thuộc vào yếu tố con người mà ở vật chất. Rất nhiều cái lắc đầu của các nghệ sĩ tầm cỡ khi họ cho khảo sát cơ sở vật chất của ta không đủ tiêu chuẩn.
Nhà hát Kịch Việt Nam - "anh cả đỏ" của sân khấu kịch nước nhà bao năm ngậm ngùi nằm nép sau Nhà hát Lớn và chấp nhận sự thực phi lý là không có "nhà để hát" ngoài cái sân khấu nhỏ chỉ chứa được hơn 100 người. Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cũng không có nơi biểu diễn riêng chứ chưa nói đến thiết kế lý tưởng cho môn nghệ thuật hàn lâm của họ. Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng bao năm than vãn không có sân khấu. Mỗi khi có vở mới chỉ dám thuê rạp diễn buổi tổng duyệt, sau đó đi loanh quanh các vùng để duy trì nghiệp diễn. Mà trang thiết bị sân khấu ở các trung tâm văn hóa ngoại thành đơn sơ đến mức khó tin.
Công chúng bây giờ đi xem phim chỉ thích các rạp tư nhân, có trang bị hiện đại với phòng chiếu 3D, 4D đạt chuẩn. Trong cuốn "Đi dọc Hà Nội", tác giả Nguyễn Ngọc Tiến cũng nhắc: "Mấy chục năm, các rạp chiếu phim ở Hà Nội chủ yếu dựa trên cơ sở vật chất sẵn có, ít được chú ý sửa chữa, nâng cấp. Không chỉ chất lượng âm thanh chưa bảo đảm, các công trình vệ sinh cũng kém, thậm chí có rạp giữa buổi chiếu quạt trần rơi xuống trúng đầu khán giả đang ngồi xem". Thực tế như vậy, ai còn muốn đến rạp chiếu phim nhà nước. Và được biết, không ít lần liên hoan phim quốc tế diễn ra, với hàng loạt những phim hay, miễn phí mà khán giả vẫn thờ ơ vì lâu nay họ mất thói quen đến rạp.
Nhà triển lãm mới đúng là đáng phiền. Có cuộc triển lãm tranh tầm cỡ quốc gia, mười năm một bận. Tranh treo kín ba tầng tòa nhà và khán giả của triển lãm ấy là những người đi dự cái đám cưới đang thuê phòng treo tranh. Còn lại một vài nhà trưng bày ở trung tâm, như một cuộc chạy dồn, mỗi triển lãm chỉ được trưng trong 3-4 ngày, lâu thì một tuần. Công chúng chưa kịp xem, tác phẩm nghệ thuật đã hết hạn treo.
Phải từ trên xuống
Đề án được phê duyệt, nỗi mừng vui nhận thấy rõ ở những người làm nghệ thuật. Theo đó, 51 nhà hát được xây mới, 20 công trình nâng cấp; 57 rạp chiếu phim xây mới, 49 rạp nâng cấp; 36 nhà triển lãm xây mới, 30 công trình nâng cấp. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi nơi sẽ được xây 1 nhà hát trang bị hiện đại chuẩn quốc tế khoảng 2.500 đến 3.000 ghế; 1 trung tâm điện ảnh đa năng quy mô 1.500 ghế, cụm rạp 8-10 phòng chiếu, bố trí rạp 3D, 4D. Đồng thời, Nhà triển lãm Văn hóa nghệ thuật ở Hà Nội sẽ được nâng cấp thành 24.000m2 sàn và một nhà triển lãm mới sẽ được xây tại TP Hồ Chí Minh. Song vấn đề thực thi đề án như thế nào là câu hỏi ai cũng muốn đặt ra.
Nhà hát Tuổi trẻ - đơn vị sân khấu năng động nhất phía Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng - cũng mới chỉ có một sân khấu nhỏ ở 11 Ngô Thì Nhậm, rất cách rách về vấn đề gửi xe và một rạp thanh niên đi thuê 4 năm nay để diễn, trang thiết bị không mấy phù hợp với kịch. Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam với kỳ tích ba đời giám đốc và hai thập kỷ mới có được Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ. Đấy là chưa kể rất nhiều đơn vị văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp làm đề án lên, đề án xuống xin cấp đất, xây nhà hát cho riêng mình mà đến nay vẫn phải đi diễn "lang".
"Đấy là do quy trình làm ngược. Đơn vị phải "kêu", "xin" trên mới xem xét. Ví dụ, có thể Bộ phê duyệt nhưng lại vướng vấn đề quỹ đất của thành phố không cho phép… Lại phải làm đề án khác, lại trình lên, vướng khâu nào coi như làm lại từ đầu. Cách làm phiền toái ấy nên bấy lâu nay rất hiếm nhà hát, rạp chiếu phim mới được ra đời", ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam nhận định.
Bây giờ, nhà hát nào cũng muốn xây mới, cũng muốn có địa điểm biểu diễn cho riêng mình. Cuộc chạy đua ấy có thể ẩn chứa lắm vấn đề. "Tôi nghĩ, với đề án này nên thực hiện, chỉ đạo từ trên xuống. Ở tầm vĩ mô, những nhà lãnh đạo nhìn nhận, biết nên xây mới ở đâu, nâng cấp chỗ nào sao cho thành hệ thống thiết chế văn hóa cân đối, hoàn thiện. Sau đó, chỉ đạo quyết liệt để cấp dưới thực hiện. Nếu không làm thế, câu chuyện sẽ vẫn ì ạch như bao năm qua", ông Nguyễn Thế Vinh cho ý kiến.
Về khả năng triển khai đề án, theo ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, nếu kiên quyết, triển khai thông tin rộng rãi, kêu gọi các cấp các ngành và từng đơn vị nỗ lực tìm đối tác từ doanh nghiệp đến các đối tác quốc tế thì cũng không quá khó khăn dù chỉ trong vòng 8 năm nữa. Tuy nhiên, cũng phải tính đến cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với nhà đầu tư.
Khoan bàn chuyện xây một loạt công trình văn hóa như thế liệu có thành những bản "copy", liệu có xảy ra tình trạng sử dụng không đúng mục đích hay gây lãng phí lớn. Như NSƯT Chí Trung ví "nhà hàng mà không có nhà để chào hàng thì ai người ta thèm đến. Văn hóa mà không có chỗ để quảng bá, thì chẳng ai biết được và mãi chúng ta chỉ dậm chân tại chỗ mà thôi". Tất nhiên, ai cũng mong mỏi, đề án này sẽ thành hiện thực không chỉ là mong muốn "trên giấy" để Hà Nội nói chung và cả nước nói riêng có được bộ mặt văn hóa mới.
NSƯT Chí Trung: Nhà hát mà không có nhà để hát hiện là "quốc nạn văn hóa" ở ta. Đừng nhìn vào bây giờ, khi đời sống khó khăn, khi người ta còn đang vật lộn mưu sinh thay vì thưởng thức văn hóa mà nghĩ là phí phạm. Không đầu tư từ bây giờ - thế vẫn là hơi muộn - thì sau này, khi có nhu cầu thưởng thức văn hóa mới quay ra xây cất công trình thì quá muộn. Giống như chúng tôi, vẫn phải nuôi dưỡng tình yêu nghề dù cuộc sống khốn khổ biết chừng nào. Để một ngày, khán giả quay lại, chúng tôi vẫn dồi dào năng lực cống hiến. |