Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số

NGUYỄN LÊ| 13/11/2020 06:39

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh đang trong quá trình chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực. Việc phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo được xem là nền tảng để thành phố thúc đẩy quá trình này. Thành phố cam kết đồng hành, hỗ trợ để doanh nghiệp công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo lớn mạnh, qua đó đóng góp cho các mục tiêu phát triển của thành phố.

Người dân tham quan Không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số thành phố Hồ Chí Minh tại tòa nhà Viettel (quận 10).

Phần lớn doanh nghiệp còn non trẻ, quy mô nhỏ

Ông Nguyễn Chí Thành, Tổng Giám đốc Mplify Events (nền tảng ứng dụng quản lý hậu cần sự kiện) cho biết, phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo ở thành phố Hồ Chí Minh còn non trẻ và quy mô nhỏ. “Doanh nghiệp của tôi cũng chỉ mới thành lập từ năm 2019, nhưng bù lại có sức trẻ, nhiệt huyết và sự sáng tạo”, ông Nguyễn Chí Thành tự tin bày tỏ.

Còn ông Nguyễn Xuân Quang, Tổng Giám đốc DGP Technology chia sẻ, trong tháng 12-2020, DGP Technology sẽ cho ra mắt trình duyệt Latoi. Đây là trình duyệt được phát triển trên nền tảng mã nguồn mở, cho phép người dùng truy cập internet, tìm kiếm thông tin với tốc độ nhanh, bảo đảm tính bảo mật cao. Nói về môi trường khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Xuân Quang nhận định: “Thành phố là thị trường rất tiềm năng với các sản phẩm phần mềm, trí tuệ nhân tạo, nhưng hiện các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này chưa nhiều”.

Từ năm 2017, thành phố Hồ Chí Minh đã xác định lĩnh vực công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo là thành phần không thể thiếu để xây dựng chương trình chuyển đổi số, đưa thành phố trở thành đô thị thông minh. Hiện cả nước có trên 45.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin, trong đó hơn 50% doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sự lớn mạnh của doanh nghiệp công nghệ thông tin còn khiêm tốn, chỉ có 2% số doanh nghiệp (khoảng 900 doanh nghiệp) có giá trị vốn trên 100 tỷ đồng, còn lại 98% là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc doanh nghiệp công nghệ thông tin có quy mô nhỏ là thách thức lớn cho việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chương trình chuyển đổi số của thành phố. “Điều này thành phố đã nhận diện, nhưng cần thêm thời gian mới có lời giải”, ông Lê Quốc Cường cho hay.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Cũng theo ông Lê Quốc Cường, thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, như: Nghiên cứu xây dựng khung chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số; đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi sản xuất trong nước để tạo giá trị gia tăng cao; ưu tiên mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin trong nước; lồng ghép trong các chương trình, đề án về chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, chuyển đổi số, đô thị thông minh… Song song đó, thành lập Hội đồng tư vấn gồm 18 thành viên là những chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về trí tuệ nhân tạo, để sớm phê duyệt chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030”.

Về nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, mỗi năm, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh ngành công nghệ thông tin. Tính chung ngành công nghệ thông tin và những ngành có liên quan như điện tử, viễn thông, tự động hóa… mỗi năm toàn hệ thống Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đào tạo khoảng 4.000 cử nhân, kỹ sư. Con số này bước đầu có thể đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo của thành phố. 

PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Thường trực Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đề xuất UBND thành phố Hồ Chí Minh  giao cho trường cơ chế đặt hàng đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành công nghệ thông tin; đồng thời, sớm đưa chương trình nghiên cứu, phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo giai đoạn 2020-2030 vào triển khai; có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các đơn vị công và khu vực tư.

Thành phố Hồ Chí Minh xác định, việc khai thác tiềm năng, năng lực của cộng đồng 45.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin - hạt nhân của chương trình chuyển đổi số, phục vụ cho các mục tiêu phát triển là “đầu bài” thành phố cần sớm có lời giải. Về vấn đề này, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, thành phố Hồ Chí Minh sẽ đưa các dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các dự án chuyển đổi số vào chương trình kích cầu đầu tư nhằm giúp các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn mạnh, qua đó thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của thành phố”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.