Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh tuyên truyền, mở ra hướng ''tư duy đại dương"

Hà Vũ| 08/12/2022 17:15

(HNMO) - Chiều 8-12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác biển, đảo Việt Nam sau 10 năm thực hiện Luật Biển 2012, 40 năm thực hiện UNCLOS 1982 và những vấn đề đặt ra đối với công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục”.

Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình phát biểu đề dẫn hội thảo.

Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An và PGS.TS, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Chu Hồi chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình cho biết, hội thảo là dịp để các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học cùng thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được của công tác biển, đảo nói chung và công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo Việt Nam nói riêng sau 10 năm Quốc hội nước ta ban hành Luật Biển 2012 và 40 năm thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982); đồng thời, đề xuất những giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo của Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Hàng chục tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ lãnh đạo, quản lý đã gửi tham luận về hội thảo; cùng nhiều tham luận trực tiếp của đại diện các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao... đã làm rõ nhiều kết quả nổi bật trong 10 năm nước ta thực hiện Luật Biển 2012 và 40 năm thực hiện UNCLOS 1982; những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về biển, đảo; khó khăn, thách thức đặt ra; đề xuất những giải pháp trọng tâm trong giai đoạn mới.

Toàn cảnh hội thảo.

Việt Nam sở hữu trên 3.260km bờ biển với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo có ý nghĩa chiến lược là Hoàng Sa và Trường Sa. Biển có ý nghĩa quan trọng tới sự tồn vong và phát triển của đất nước. Trước những tiềm năng to lớn của biển, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng là thực hiện song song hai nhiệm vụ vừa phát triển bền vững kinh tế biển, vừa bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển, đồng thời mở ra hướng “tư duy đại dương” trong thời đại kinh tế mở và hội nhập toàn cầu.

Để xây dựng nước Việt Nam thực sự trở thành quốc gia “mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng”, các ý kiến tham luận khẳng định, yêu cầu đặt ra là sự thống nhất cao về nhận thức trong mọi tầng lớp nhân dân, đi đôi với khơi dậy ý chí độc lập dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về biển đảo Việt Nam.

Đại diện thành phố Hà Nội tham luận tại hội thảo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đào Xuân Dũng cho biết, không chỉ thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về biển, đảo, đặc biệt là Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; Hà Nội còn chủ động triển khai công tác tuyên truyền biển, đảo; tổ chức nhiều phong trào, các hoạt động thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân làm việc, sinh sống trên đảo.

Trong giai đoạn 2009-2022, thành phố đã tổ chức 12 đoàn cán bộ ra thăm nhà giàn DK 1 và quần đảo Trường Sa. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã quyên góp, hỗ trợ kinh phí hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình thể hiện tình cảm gắn bó với các vùng biển, đảo Tổ quốc, tiêu biểu như: Bảo tàng Côn Đảo, Nhà khách Thủ đô và Nhà văn hóa Trường Sa tại huyện Trường Sa, Nhà văn hóa Trường Sa tại đảo Song Tử Tây, Nhà văn hóa đảo Tốc Tan B…

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng tham luận tại hội thảo.

Chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền trong những sự kiện “nóng” liên quan đến biển, đảo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng khẳng định, phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đồng thời đề nghị, khi xảy ra các sự kiện, vấn đề đột xuất, cần thống nhất nhận thức và nội dung tuyên truyền; các cơ quan Trung ương cần sớm ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, qua đó hạn chế tình trạng thiếu thống nhất hay lúng túng trong triển khai ở địa phương.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng, yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới đòi hỏi các cấp, các ngành phải chuyển từ thụ động sang ứng phó chủ động với các vấn đề biển, đảo đặt ra từ góc độ tuyên truyền; phải khắc phục hạn chế về công tác phối hợp trong tuyên truyền; đồng thời, phải đổi mới nội dung, phương thức, hình thức tuyên truyền về biển, đảo... Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cũng đề nghị cần làm rõ những khái niệm, thuật ngữ quan trọng để thống nhất nhật thức về biển, đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh tuyên truyền, mở ra hướng ''tư duy đại dương"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.