(HNM) - Ngày 5-7-2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 187/KH-UBND về phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022. Mục đích chính của kế hoạch là tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe cộng đồng và xã hội... Các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và cơ sở đang tích cực triển khai kế hoạch này.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn:
Tiếp tục quán triệt, triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5-9-2016 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, trong đó nhấn mạnh việc nghiêm cấm uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc và ngày trực. Chỉ thị này đã được Sở quán triệt sâu sắc tới cán bộ, công chức, viên chức từ nhiều năm qua, bước đầu đạt hiệu quả tích cực, ý thức chấp hành của cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên rõ rệt.
Thực hiện Kế hoạch số 187/KH-UBND về phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022 mới được ban hành, Sở sẽ tiếp tục tăng cường việc quán triệt, triển khai kịp thời nội dung Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành có liên quan tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức.
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm:
Kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia
Nhận thức rõ, hậu quả của việc lạm dụng rượu, bia là khôn lường, việc phòng, chống tác hại của rượu bia là vô cùng cần thiết đối với mọi người, mọi nhà nên những năm qua quận Hoàng Mai luôn quan tâm chỉ đạo tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không sử dụng rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa.
Đồng thời, quận nâng cao trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia; đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tới toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, người lao động và nhận được kết quả đáng khích lệ tại các cơ quan, đơn vị, các phường.
Ngoài ra, quận cũng tập trung chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, định kỳ họp cán bộ nòng cốt để chỉ đạo công tác thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia kịp thời, hiệu quả. Chú trọng kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai thực thi các quy định của Luật tại các cơ quan, đơn vị.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức
Những năm qua, UBND huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn đã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại cơ quan. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được phổ biến tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở cũng tăng cường giáo dục, tuyên truyền, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia và đưa nội dung phòng, chống tác hại của rượu, bia vào nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức. Đáng nói, Huyện Đoàn Đan Phượng và Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn đã lựa chọn trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên là đối tượng tuyên truyền không uống rượu, bia.
Bà Lê Thanh Hoa, cán bộ Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (quận Cầu Giấy):
Cần cụ thể hóa các quy định vào quy chế của mỗi cơ quan, đơn vị
Mặc dù các quy định về cấm uống rượu, bia trong giờ làm việc đã có, song việc thực hiện ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa thực sự nghiêm túc, đã và đang gây nhiều bức xúc và phản cảm, làm xấu hình ảnh cơ quan nhà nước cũng như khiến người dân không hài lòng khi đến làm việc tại cơ quan công quyền; đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công việc. Do đó, việc UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 187/KH-UBND về phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022 là cần thiết, kịp thời. Theo tôi, cần cụ thể hóa các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vào quy chế của mỗi cơ quan, đơn vị...
Bà Hoàng Thị Minh Ngát, phố Lý Nam Đế (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm):
Góp phần quản lý tốt cán bộ, công chức, viên chức
Hiện nay, tình trạng sử dụng rượu, bia, tiệc tùng trong giờ nghỉ trưa hay thậm chí ngay trong giờ làm việc vẫn diễn ra. Việc này không chỉ làm xấu đi hình ảnh cán bộ, viên chức các cơ quan nhà nước mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và nguy cơ làm giảm hiệu quả lao động, thậm chí gây ra các vụ việc ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Chính vì vậy, cụ thể hóa các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại bia, rượu vào quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị chính là giải pháp hiệu quả góp phần quản lý cán bộ, công chức, viên chức trước tác động xấu của rượu, bia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.