Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử

Trọng Ngôn| 20/06/2022 07:48

(HNM) - Là trung tâm sản xuất và tiêu dùng lớn của cả nước, thành phố Hồ Chí Minh có điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại điện tử. Việc phát triển thương mại điện tử giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường nội địa và quốc tế, đồng thời giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa nhanh chóng, thuận lợi.

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm hàng hóa trên một sàn thương mại điện tử.

Mỗi tháng, Công ty cổ phần Pacific Foods (quận 1) cung ứng hơn 18.000 chai nước mắm truyền thống Việt Nam mang thương hiệu Mami trên sàn thương mại điện tử của Amazon. Nhờ vậy, doanh nghiệp đã duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn khó khăn bởi dịch Covid-19 và trước bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao như hiện nay.

Thời gian qua, người tiêu dùng tại thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành thói quen mua sắm trên các sàn thương mại điện tử. Nhờ đa dạng chủng loại hàng hóa, giá cả cạnh tranh, nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn và đặc biệt không phải di chuyển đến siêu thị hay trung tâm thương mại nên chị Bùi Thị Cẩm Tú (phường 14, quận 4) lựa chọn kênh thương mại điện tử để mua sắm thường xuyên. “Chủng loại hàng hóa trên các kênh thương mại điện tử hiện nay đã đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng”, chị Bùi Thị Cẩm Tú chia sẻ.

Khảo sát về hành vi mua sắm trực tuyến do Lazada phối hợp với đối tác nghiên cứu thị trường Milieu Insight công bố mới đây cho thấy, có tới 85% người tiêu dùng tại Việt Nam chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm trực tuyến kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát; tỷ lệ người dân mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi tuần đạt mức 59%.

Còn theo báo cáo chỉ số thương mại điện tử EBI 2021 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phát hành vào tháng 4-2022, điểm trung bình chỉ số thương mại điện tử năm 2021 của 63 tỉnh, thành là 8,5 điểm, trong đó thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đứng đầu với 67,63 điểm. Điều này cho thấy, thành phố Hồ Chí Minh có hoạt động thương mại điện tử sôi động nhất cả nước.

Theo Chủ tịch VECOM Nguyễn Ngọc Dũng, sau dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp nhận thấy nếu không triển khai hình thức kinh doanh trực tuyến sẽ khó tồn tại. Do đó, doanh nghiệp đã đưa các sản phẩm nông nghiệp, hàng tiêu dùng thiết yếu lên các sàn thương mại điện tử. Từ đó, giúp quảng bá rộng rãi nông sản Việt Nam ở cả thị trường trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Ngọc Dũng nhận định, trong những năm tới, doanh số thương mại điện tử sẽ bùng nổ.

Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết, Cục sẽ chủ động phối hợp Sở Công Thương 63 tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử. Bên cạnh đó, Cục cũng sẽ phối hợp với Amazon, Alibaba… hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến với mục tiêu hỗ trợ 10.000 doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong giai đoạn 2021-2025 thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Cũng theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, thành phố Hồ Chí Minh tập trung nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp rất năng động, khả năng thích ứng nhanh nên sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình này.

Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đang triển khai thực hiện chương trình phát triển thương mại điện tử nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu, vừa tăng cường tiêu thụ tại thị trường nội địa, vừa mở rộng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế. Theo đó, thành phố thực hiện các giải pháp như: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thương mại điện tử thông qua chuyển đổi số; phát triển hạ tầng logistics và phương tiện thanh toán phục vụ giao dịch thương mại điện tử; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thương mại điện tử.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.