Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy lùi tham nhũng: Có trách nhiệm của mỗi người dân

Thế Phương| 29/10/2014 06:10

(HNM) - Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng. Nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp đã được xét xử nghiêm minh như vụ Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên...

Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần nổi của những tảng băng chìm, báo cáo trước Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng thừa nhận một thực tế: Tham nhũng trong khu vực công vẫn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công...

Theo một thống kê, cơ quan chức năng đã tiến hành 8.000 cuộc thanh tra hành chính và 190.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện gần 32.000 tỷ đồng vi phạm, kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước 27.000 tỷ đồng, xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán 4.800 tỷ đồng. Cơ quan chức năng cũng phát hiện 54 vụ việc với 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng, tổng số tiền gần 69 tỷ đồng... Những con số nêu trên cho thấy phần nào quyết tâm đẩy lùi quốc nạn tham nhũng. Thế nhưng theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Thực trạng phát hiện và xử lý một số vụ tham nhũng, thu hồi tài sản trong các vụ tham nhũng vẫn chưa thực sự tạo được niềm tin vững chắc của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng...

Vì sao người dân chưa thực sự tin tưởng vào những nỗ lực của cơ quan chức năng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng? Bởi lẽ hiện tượng buôn quan, bán chức, chạy dự án, chạy quy hoạch, chạy trường, chạy lớp… nạn hối lộ, vòi vĩnh, nhũng nhiễu... vẫn diễn ra hằng ngày và đập vào mắt họ; bởi pháp luật chưa coi tham nhũng là một tội ác phải trừng trị để bảo vệ cái thiện, bảo vệ phẩm giá con người, sự lành mạnh của xã hội (biểu hiện "giơ cao đánh khẽ", thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng một cách hình thức là những ví dụ). Và nữa, không ít người trung thực đấu tranh với tham nhũng đã phải nhận lại hậu quả đáng buồn, trong khi đó rất nhiều người có hành vi tham nhũng, làm ăn bất chính vẫn "đàng hoàng" ngoài vòng pháp luật.

Tham nhũng tồn tại cùng quyền hành và thế lực. Nói cách khác, không có quyền hành, thế lực, không thể tham nhũng. Khi những thế lực "đen" liên kết với nhau thành những nhóm lợi ích sẽ tạo nên sức mạnh ghê gớm. Nỗ lực của các cơ quan chức năng hay những cá nhân đơn lẻ chỉ đem đến những thành quả "chưa được như mong muốn". Do vậy, để đấu tranh có hiệu quả với vấn nạn tham nhũng cần liên kết được số đông và tạo ra sức mạnh tập thể. Khi mỗi người dân không "lót tay", không "phong bì", không tiếp tay cho những hành vi tham nhũng; đồng thời quyết liệt đấu tranh với cái sai, cái xấu, cái ác, chắc chắn tham nhũng không thể lây lan. Bên cạnh các giải pháp nhằm kiểm soát, phát hiện, nghiêm trị kịp thời những hành vi tham nhũng, việc bảo vệ người tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng và xử lý nghiêm những kẻ lợi dụng chống tham nhũng vì động cơ xấu... chắc chắn sẽ tạo ra những động lực mới.

Quyết liệt xử lý những hành vi bất chính, bất liêm của người có quyền cao chức trọng, xóa bỏ những vùng cấm, những ngoại lệ… chắc chắn sẽ tạo được niềm tin đối với người dân trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Tham nhũng là quốc nạn, liên quan đến sự tồn vong của chế độ, sự phát triển của đất nước nên phòng chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy lùi tham nhũng: Có trách nhiệm của mỗi người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.