Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu xuân về Ba Vì chơi đẩy gậy

Bài, ảnh: Khuất Duyên| 24/02/2018 08:18

(HNM) - Đến các xã miền núi của huyện Ba Vì vào dịp đầu xuân, du khách sẽ được xem và tham gia nhiều trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ…

Các vận động viên của huyện Ba Vì đều đạt thành tích cao khi tham gia các giải thi đấu thể thao dân tộc do TP Hà Nội tổ chức.


Đẩy gậy vừa là trò chơi dân gian, vừa là môn thể thao truyền thống, thường được tổ chức vào dịp đầu xuân, trong các ngày hội văn hóa, thể thao. Ở các xã miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số thì môn thể thao này được phát triển mạnh hơn, thu hút không chỉ những thanh niên cường tráng, khỏe mạnh, mà cả những người lớn tuổi.

Tham gia môn đẩy gậy cần có gậy thi đấu làm bằng tre già, hoặc những thanh gỗ tốt có chiều dài 2m, đường kính từ 4cm đến 5cm, được sơn 2 màu đỏ và trắng (độ dài mỗi màu là 1m). Đầu và thân gậy được bào nhẵn và có đường kính bằng nhau. Vị trí thi đấu được vẽ một vòng tròn có đường kính 5m, vạch giới hạn rộng 5cm, nằm trong phạm vi của sân có màu trắng hoặc khác với màu nền sân. Sau khi hoàn tất thủ tục chuẩn bị thi đấu, các vận động viên giữa hai đầu gậy đã ở tư thế sẵn sàng, trọng tài một tay cầm giữa gậy sẽ hô dự lệnh "chuẩn bị", sau đó thổi một hồi còi phát lệnh cho hiệp đấu bắt đầu.

Theo luật chơi, bên nào chân chạm vào vạch hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước là thua cuộc. Mỗi trận đấu đẩy gậy thường diễn ra từ 2 đến 3 hiệp. Đẩy gậy là môn thi cần đến sức khỏe và sự khéo léo của vận động viên. Để thắng được đối thủ, người chơi cũng cần có kỹ thuật, chiến thuật, sự khéo léo, dẻo dai và tâm lý ổn định. Đã có không ít anh chàng "thấp bé, nhẹ cân" mà lại thắng được nhiều đối thủ "to con" hơn. Người chơi "cao thủ" là người luôn giữ được bình tĩnh, ghìm đầu gậy bên phần mình xuống và đẩy đầu gậy của đối phương lên cao để tạo đà cho mình có cơ hội thắng. Có những cuộc đẩy gậy ngang tài, ngang sức, giằng co không phân thắng bại. Lại có những cặp chỉ ngay sau cái phất tay của trọng tài, đấu thủ đã bay ra khỏi vòng, khiến người xem càng cảm thấy thích thú.

Không chỉ những người trực tiếp tham gia thi đấu mới thấy hào hứng mà ngay chính khán giả cũng có diễn biến tâm trạng theo từng hiệp đấu. Đó là lúc thì xuýt xoa tiếc rẻ, lúc lại reo lên sảng khoái, xen lẫn tiếng trống khi dồn dập, lúc khoan thai làm không khí cuộc thi đẩy gậy vô cùng sôi nổi, cuốn hút... Sau cuộc đấu, các đối thủ lại khoác tay, tấm tắc khen tài của nhau trên tinh thần thượng võ và cũng nhờ đó mà có thêm bạn. Hiện nay, không chỉ dừng lại ở trò chơi, đẩy gậy đã được đưa vào thi đấu mang tính chuyên nghiệp trong các cuộc thi thể thao.

Để duy trì và phát triển phong trào, huyện Ba Vì đã đưa môn đẩy gậy vào hệ thống các môn thi đấu thể thao thành tích cao. Hằng năm, huyện Ba Vì đều có đội tuyển tham gia thi đấu giải do thành phố tổ chức và giành được nhiều giải cao. Cùng với đó, mỗi năm một lần, vào dịp đầu năm, khi khai hội Tản Viên Sơn Thánh, giải thể thao các dân tộc thiểu số được tổ chức thì đẩy gậy là môn chủ lực trong chương trình thi đấu. Trên địa bàn huyện Ba Vì, các xã mạnh về môn thể thao này phải kể đến là Khánh Thượng và Minh Quang. Đó cũng là một dấu mốc mới trong công tác bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa, thể thao, tạo tiền đề cho môn đẩy gậy phát triển nhanh hơn, xa hơn...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đầu xuân về Ba Vì chơi đẩy gậy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.