Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Dấu xưa, chuyện cũ Thăng Long - Hà Nội” - Một kho di sản

Đặng Thủy| 03/03/2014 06:48

(HNM) - Hơn 100 chuyện kể về những dấu tích hiện vẫn còn hay đã mai một; những sự kiện và con người bằng xương, bằng thịt của Thăng Long - Hà Nội đã được dân gian hóa, huyền thoại hóa, trở thành niềm tự hào không chỉ của Hà Nội được


Trải hơn nghìn năm lịch sử, đất thiêng Hà Nội còn lưu bao dấu tích. Chỉ xung quanh núi Tản (Tản Viên Sơn) thôi cũng đã có biết bao dấu tích. Nào bãi hạt cơm rơi, núi Chẹ, núi Chẹ Đùng, nào sự tích ao Vua hay Đầm Đượng mười sáu đường nước chảy. Ở vùng đất Sóc Sơn, những dấu tích về Phù Đổng Thiên Vương không chỉ hiện hữu mà còn ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân. Mọi người đều thuộc nằm lòng những nơi Thánh Gióng đi qua như đỉnh "Kẻo" - nơi Thánh Gióng giở cơm nắm ra ăn, cà mặn không ăn hết, ngài để lại rồi dân gọi vùng ấy là Kẻ Cà; hay nơi Thánh Gióng dừng ngựa ngóng về quê mẹ trước khi ngài hóa, dân gọi là Kẻ Dõi (Dõm)…

Lật giở những trang sách trong "Dấu xưa, chuyện cũ Thăng Long - Hà Nội" mới thấy, mỗi một tấc đất của Thăng Long, Hà Nội đều đậm đặc những dấu tích từ nghìn xưa để lại. Có những dấu tích vẫn còn hiện hữu, có những dấu tích đã mai một, song nó vẫn luôn in dấu trong trí nhớ của những người già. Từ Núi Nùng - sông Tô Lịch đến di tích Loa Thành, Hoàng Thành… đều gắn với bao chuyện kể. Ô Ông Mạc gắn với tên tuổi vị sứ thần Mạc Đĩnh Chi, Đầm Mực gắn với huyền thoại học trò của thầy Chu Văn An, Nhà Cổ Nguyệt gắn với tên tuổi nữ sĩ tài hoa Hồ Xuân Hương… Rồi còn biết bao dấu tích khác như gò Bà Đẻ (Hà Đông), bãi Gáo (nơi hành quyết những tội nhân xưa - nay là khu Bệnh viện Xanh Pôn), bãi Mả Voi, núi Vua, núi Chai, chợ ông Giám… cũng đã được lý giải trong tập sách này.

Bên cạnh những dấu tích của Hà Nội, "Dấu xưa, chuyện cũ Thăng Long - Hà Nội" còn phác họa khá rõ nét con người của mảnh đất Thăng Long hào hoa, đó là Thái sư Tô Hiến Thành; vị đại thần chính trực Mạc Đĩnh Chi; quan Khâm sai Cát Văn Tụy; sứ thần Giang Văn Minh…, rồi những bậc thầy đạo cao đức trọng như Chu Văn An, Vũ Thạnh; những người thầy thuốc hết lòng vì người bệnh như thầy thuốc Phạm Công Bân (ông ngoại của Hồ Quý Ly); những người phụ nữ tảo tần, thông minh, sáng tạo…

PGS - TS Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội - Chủ biên cuốn sách cho biết:

"Dấu xưa, chuyện cũ Thăng Long - Hà Nội" do các hội viên Hội văn nghệ dân gian Hà Nội sưu tầm, biên soạn, tìm tòi từ trong các thư tịch cổ như Lĩnh Nam chích quái, Truyền kỳ mạn lục, Vũ trung tùy bút… nhưng cơ bản vẫn là sưu tầm trong dân chúng từ tất cả các quận, huyện, thị xã của Hà Nội. Có những chuyện đã từng được công bố như Giai thoại Thăng Long, Tản Viên Sơn vùng văn hóa huyền thoại… nhưng có rất nhiều câu chuyện mới được sưu tầm và được công bố lần đầu. Một trăm câu chuyện là một trăm trạng huống, một trăm tình tiết về những sự kiện diễn ra trên đất Thăng Long, về những con người Thăng Long trong suốt tiến trình lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc. Những câu chuyện có thực, những con người có thực, qua cảm quan của dân chúng, dẫu có bị phủ lên lớp sương huyền thoại, song nó vẫn là bức tranh lung linh sắc màu, phản ánh một cách sinh động cái chất linh thiêng và hào hoa của đất Thăng Long, người Thăng Long, cùng với khát vọng vươn tới cái đẹp, cái hay, cái chân thiện của họ".

Có thể nói, việc ra mắt cuốn sách là một sự tiếp nối thành công kế hoạch dài hơi về sưu tầm vốn văn hóa dân gian để bảo tồn những nét đẹp văn hóa Tràng An của Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Dấu xưa, chuyện cũ Thăng Long - Hà Nội” - Một kho di sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.