(HNM) - Tính tới hôm qua (30-9), tròn 10 ngày Hà Nội thí điểm tổ chức phân làn giao thông trên hai tuyến phố Bà Triệu và Phố Huế - Hàng Bài.
Ban đầu, theo đề xuất của ngành chức năng, việc phân làn phương tiện giao thông sẽ được triển khai trên 12 tuyến phố (theo những tiêu chí kỹ thuật được lựa chọn về hạ tầng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng làm nhiệm vụ và người điều khiển phương tiện giao thông thực hiện), song UBND TP mới phê duyệt làm thí điểm trong vòng 3 tháng ở 5 tuyến phố. Trong 5 tuyến phố này, ngoài Bà Triệu và Phố Huế - Hàng Bài thì 3 tuyến còn lại là Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Kim Mã, Giải Phóng đều đã từng được tổ chức thí điểm phân làn đường vào các năm 2003, 2006 và 2009.
Ba lần thí điểm trước nhìn chung là không đạt mục tiêu đề ra. Do đó lần thứ tư Hà Nội tổ chức thí điểm phân làn giao thông chắc chắn có không ít kinh nghiệm thực tế. Và hiện giờ mới thực hiện ở 2 tuyến phố thì các lực lượng làm nhiệm vụ có điều kiện hơn trong việc tập trung đầu tư về con người, phương tiện và cơ sở vật chất. Tuy nhiên, sau 10 ngày, kết quả thu được cũng không như mong muốn. Chỉ vắng bóng lực lượng làm nhiệm vụ một chút là ô tô, mô tô, xe máy, xe đạp lại mạnh ai nấy đi, rất lộn xộn.
Cũng như nhiều lĩnh vực khác, có vẻ như trong việc tổ chức giao thông chúng ta vẫn mắc phải căn bệnh "chạy theo thành tích"; muốn ôm những đầu việc lớn, số lượng công việc nhiều để rồi cuối cùng là "lực bất tòng tâm", nên kết quả thu được rất hạn chế. Ba lần thực hiện thí điểm phân làn giao thông trước đây, mỗi lần làm ở một tuyến đường, công sức, tiền của bỏ ra không ít nhưng cuối cùng hầu như không có biến chuyển. Lần này, nếu làm thành công ở một tuyến, kết quả đó cũng là sự "ghi điểm" đáng quý cho thấy hiệu quả công tác của những người được giao trách nhiệm quản lý về lĩnh vực này. Tất nhiên, kết quả ấy càng có ý nghĩa lớn hơn nếu việc thực hiện thí điểm thành công ở 2 tuyến, rồi 5 tuyến, 12 tuyến… Và cả Hà Nội, tuyến phố nào các phương tiện cũng lưu thông trật tự, đúng phần đường thì bộ mặt đô thị sẽ được cải thiện rất nhiều, tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông sẽ được hạn chế ở mức thấp nhất, dù rằng cơ sở hạ tầng của chúng ta vẫn chưa theo kịp được đòi hỏi của thực tế. Nhưng đó là mục tiêu ở phía trước, mục tiêu hướng tới, chí ít là ở thời điểm này.
Trở lại hai tuyến phố Bà Triệu và Phố Huế - Hàng Bài, sau 10 ngày thực hiện phân làn giao thông, một số biển báo làn đường cho từng loại phương tiện được dựng lên, vạch sơn một số nơi cũng được làm mới, lực lượng làm nhiệm vụ đã có mặt để hướng dẫn người điều khiển phương tiện… Nhưng chính những người làm nghề còn thẳng thắn phát biểu: "Chỉ hy vọng các xe đi đúng làn đường vào các giờ không phải cao điểm, còn giờ cao điểm thì rất khó thực hiện". Nếu tìm hiểu nguyên nhân thì tất cả những gạch đầu dòng này đều đã được nêu tại những hội nghị, cuộc họp sơ kết việc phân làn giao thông ở các tuyến Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Kim Mã, Giải Phóng từ năm 2003, 2006 và 2009. Hoàn toàn không hề phát sinh thêm những nguyên nhân mới.
Vậy nên, để tránh tình trạng "đầu voi đuôi chuột", sau những đợt ra quân rầm rộ nhưng kết quả thu được lại không tương xứng, nên chăng chúng ta cần "phân làn" ngay trong tư duy, không nên quá coi trọng về mặt số lượng, đầu việc mà phải đặt hiệu quả thu được lên hàng đầu. Có như vậy mới tránh được tâm lý "nhờn luật" đối với người tham gia giao thông và suy nghĩ "đánh trống bỏ dùi" của dư luận xã hội đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ. Trước đây, khi sơ kết việc thí điểm phân làn giao thông ở tuyến Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, ông Takagi Michimasa, tư vấn của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) từng phát biểu: Muốn nhân rộng mô hình này thì trước tiên việc thí điểm phải thành công, nếu không sự thuyết phục sẽ rất thấp.
Vẫn còn 2 tháng 20 ngày theo thời gian TP phê duyệt cho lực lượng chức năng làm thí điểm công việc này. Nếu không có một sự thay đổi cần thiết trong cách làm, e rằng cuối cùng kết quả thu được cũng không khác 3 lần thí điểm trước đây là bao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.