(HNM) - Tại Liên hoan Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013 ở Hải Phòng vừa qua, Nhà hát Chèo Hà Nội thành công lớn khi cùng lúc giành giải vàng cho vở diễn
- Là một trong số ít đơn vị nghệ thuật truyền thống trên địa bàn Thủ đô thường xuyên "đỏ đèn", Nhà hát Chèo Hà Nội có chịu nhiều áp lực trong việc duy trì các suất diễn đều đặn không?
- Điều may mắn là chúng tôi vẫn có hợp đồng thường xuyên và diễn viên yên tâm có việc để làm. Nói thật, với sân khấu hiện nay, việc duy trì lượng khán giả đều đặn là rất khó, với sân khấu truyền thống thì càng khó khăn hơn. Chúng tôi phải tìm cho mình một số giải pháp phù hợp, như thực hiện đề án tiếp cận khán giả trẻ. Một năm, chúng tôi có vài trăm buổi biểu diễn tại các trường học. Hiện nay, trên địa bàn Thủ đô có chừng 1.500 trường học, nếu đầu tư mạnh tay cho phần việc nói trên thì tình hình sẽ khả quan hơn nữa.
- Nghe nói, doanh thu của Nhà hát Chèo Hà Nội vào khoảng 10 tỷ đồng/năm, một con số đáng nể đối với một đơn vị nghệ thuật. Bí quyết thành công là gì, thưa bà?
- Chúng tôi cũng phải xoay xở nhiều, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, lại phải chịu khó học hỏi thêm. Tôi có nhiều bạn làm doanh nghiệp, họ tư vấn cho tôi nên làm kinh tế thế nào. Những người thầy về nghệ thuật thì khuyên mình cần phải làm gì để giữ được chất lượng. Chúng tôi tiếp thu, vừa làm theo vừa điều chỉnh cho hợp với điều kiện của mình. Điều quan trọng nhất là nâng cao chất lượng nghệ thuật, quan tâm đúng mức đến việc quảng bá sản phẩm, thương hiệu. Chúng tôi cố gắng đầu tư kỹ lưỡng nhằm tạo ra vở diễn chất lượng cả về nội dung và hình thức thể hiện, sau đó quảng bá với khán giả. Tư duy quan trọng lắm, nếu trong đầu lúc nào cũng nghĩ chỉ dựng vở cho đủ định mức được giao thì không thể có vở hay được.
- Xin hỏi thật, những vở diễn tiền tỷ gần đây của Nhà hát Chèo Hà Nội, ngoài việc giành giải cao tại các liên hoan sân khấu thì hiệu quả về doanh thu ra sao?
- Nhà hát Chèo Hà Nội chỉ có hai vở tiền tỷ, đó là "Oan khuất một thời" và mới đây là "Vương nữ Mê Linh". "Oan khuất một thời" đã công diễn nhiều đêm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, lần nào cũng đông khách. Thành công của vở này khiến chúng tôi tự tin hơn, thế là quyết định tiếp tục đầu tư mạnh tay cho "Vương nữ Mê Linh". Hiện nay, "Vương nữ Mê Linh" đã nhận được một số đơn đặt hàng biểu diễn ở các tỉnh và tại TP Hồ Chí Minh. Chúng tôi dự định đầu năm 2014 sẽ "Nam tiến" đấy.
- Bà vừa quản lý bộ máy gần trăm người, vừa trực tiếp làm nghề mà thành công gần đây nhất là giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan Sân khấu chèo toàn quốc, "đa nghệ" đến thế hẳn phải đương đầu với áp lực lắm?
- Thời gian đầu thì đúng là áp lực thật, may là anh chị em trong Nhà hát đều là người tâm huyết với nghề, thấy mình thực tâm thì họ ủng hộ. Tôi nghĩ, nếu người lãnh đạo mở lòng chia sẻ thì anh chị em sẵn sàng đồng hành với mình, cho dù con đường đi có thể gặp nhiều khó khăn.
- Việc bà quyết liệt "thay máu" lực lượng, đưa dàn diễn viên trẻ vào đảm đương vai chính thay cho lớp "lão làng" có tạo nên sự xáo trộn không?
- Tôi may mắn được làm việc với một tập thể đoàn kết nên khi quyết định đưa những diễn viên trẻ tài năng như Hoài Thu, Quốc Phòng, Việt Thắng, Thu Hòa… vào vai "cứng", thay cho những nghệ sĩ gạo cội thì mọi người đều ủng hộ. Các nghệ sĩ "lão làng" cũng muốn tạo cơ hội cho lớp trẻ, diễn viên trẻ thì tỏ rõ sự phấn khởi khi được giao vai chính. Sự "thay máu" đã tạo nên bầu không khí làm việc hăng say. Tại Liên hoan Chèo ở Hải Phòng vừa qua, chúng tôi đã có những màn diễn thăng hoa, tràn đầy sức trẻ.
- Xin cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.