Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố Hà Nội: Ba điểm mới quan trọng

Hồng Sơn| 12/12/2020 06:11

(HNM) - HĐND thành phố Hà Nội vừa thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cấp thành phố, dự kiến nhu cầu vốn hơn 482.000 tỷ đồng. Với ba điểm mới quan trọng là phê duyệt kế hoạch khung, phân bổ vốn linh hoạt, tập trung cho mục tiêu phát triển đồng đều và các vấn đề dân sinh, đầu tư công sẽ là nguồn lực quan trọng và hiệu quả trong giai đoạn tới.

Giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội định hướng đầu tư tập trung vào những dự án trọng điểm có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Nút giao Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dự án sử dụng vốn đầu tư công, đang được phấn đấu hoàn thành trước ngày 30-12-2020.

Lựa chọn mục tiêu, phân bổ hợp lý

Trên cơ sở khung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cấp thành phố và tính toán, cân đối theo các kịch bản về thu - chi ngân sách giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội dự kiến tổng mức kế hoạch vốn đầu tư trung hạn cho giai đoạn này khoảng 206.750 tỷ đồng. Thành phố định hướng đầu tư tập trung vào những dự án hạ tầng kỹ thuật khung, những dự án trọng điểm có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những dự án đặc thù tại 11 ngành, lĩnh vực được xác định là trọng tâm đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, từ khung kế hoạch đầu tư công, thành phố bố trí linh hoạt kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm trên cơ sở nhu cầu thực tế và đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương. Chỉ đạo của Thường trực Thành ủy là thông qua đồng bộ và kịp thời các cơ chế, chính sách, phân bổ hợp lý nguồn lực bảo đảm tập trung đầu tư vào các dự án hạ tầng kỹ thuật khung; những dự án trọng điểm của thành phố có vai trò thúc đẩy liên kết; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các huyện phía Nam thành phố (quốc lộ 1A cũ, quốc lộ 21B…). Bên cạnh đó, thành phố và các quận sẽ hỗ trợ nguồn lực để thực hiện các chương trình mục tiêu tại những huyện còn khó khăn, nhằm cụ thể hóa quan điểm phát triển đồng đều; quan tâm đầu tư thúc đẩy các huyện sớm trở thành quận trong giai đoạn 2021-2025; giải quyết dứt điểm xây mới, nâng cấp, cải tạo các chợ dân sinh, nhà văn hóa thôn, công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường cho rằng, vốn đầu tư công là nguồn lực quan trọng, do đó cần phân bổ hợp lý, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm đầu tư nhằm phát huy hiệu quả. Hà Nội luôn có lượng vốn đầu tư công lớn, khối lượng công việc nhiều nên cần có cách làm linh hoạt, mang tính đột phá, như đẩy mạnh phân cấp, điều chuyển vốn giữa các dự án khi cần thiết để tránh đọng vốn, đọng việc ở nơi trì trệ. 

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đánh giá, hạ tầng cơ sở được cải thiện, nhất là về giao thông, là điều kiện thuận lợi để Hà Nội thu hút đầu tư, tạo ra tăng trưởng. Thực tế, đầu tư công là vốn mồi, giúp địa phương được đầu tư có cơ hội bứt phá, thoát khỏi “vùng trũng”...

Bên cạnh xác định thứ tự ưu tiên, đầu tư có trọng điểm, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Hà đề xuất thêm cơ chế phân công trách nhiệm đầu tư giữa Hà Nội với các cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố. Trong đó, Bộ Giao thông - Vận tải đầu tư, quản lý các tuyến đường có tính chất liên vùng; các tỉnh, thành phố sẽ đầu tư những công trình thuộc địa bàn mình quản lý.

Chia sẻ, cùng phát triển

Thành phố Hà Nội sẽ xây mới, nâng cấp, cải tạo các chợ dân sinh, nhà văn hóa thôn, công viên, vườn hoa trên địa bàn. Trong ảnh: Người dân vui chơi tại Công viên Thượng Thanh (quận Long Biên).

Tại kỳ họp thứ mười tám, HĐND thành phố Hà Nội vừa qua, thảo luận về vấn đề đầu tư công, các đại biểu cơ bản đồng tình với định hướng khung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cấp thành phố. Đồng thời, kết quả giải ngân vốn đầu tư công cao trong năm 2020, mang lại hiệu quả tích cực, được coi là bài học kinh nghiệm quan trọng để áp dụng trong công tác chỉ đạo, điều hành 5 năm tới.

Từ góc độ thực tiễn, theo Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Hà, việc xác định phát triển công trình hạ tầng có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. “Những năm qua, thành phố dành khoảng 7.000 tỷ đồng/năm để xây mới, nâng cấp các tuyến đường, trong đó ưu tiên cho ngoại thành và mang lại kết quả tích cực, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa nội thành và ngoại thành”, ông Vũ Hà nêu ví dụ.

Với quan điểm cùng phát triển, 4 quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng đã đề xuất hỗ trợ cho 5 huyện khó khăn là Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức xây dựng nông thôn mới, với kinh phí hơn 123 tỷ đồng. HĐND thành phố cũng đã chấp thuận phương án ngân sách thành phố hỗ trợ các huyện xây dựng 94 nhà văn hóa thôn trong dự toán năm 2020 với tổng số kinh phí là 235 tỷ đồng; mức hỗ trợ từ ngân sách thành phố là 2,5 tỷ đồng/nhà văn hóa. Với 113 nhà văn hóa còn lại, HĐND thành phố giao UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các huyện cân đối ngân sách đầu tư xây dựng trong năm 2020. Đối với các huyện khó khăn, HĐND thành phố chấp thuận ngân sách thành phố tiếp tục hỗ trợ để xây dựng hoàn thành các nhà văn hóa thôn còn lại trong năm 2021.

Năm 2021, thành phố Hà Nội đề ra mục tiêu lấy lại đà tăng trưởng, với chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng khoảng 7,5%. Do đó, đầu tư công được coi là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển trên. Với những bài học trong năm 2020 và ba điểm mới là phê duyệt kế hoạch khung, phân bổ vốn linh hoạt, tập trung cho mục tiêu phát triển đồng đều và các vấn đề dân sinh, chắc chắn đầu tư công sẽ là nguồn lực quan trọng và hiệu quả trong giai đoạn tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố Hà Nội: Ba điểm mới quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.