(HNM) - Các doanh nghiệp (DN) có đột phá về phát triển công nghệ thường tăng trưởng nhanh và có hiệu quả cao hơn, từ đó tạo ra giá trị cao hơn cho xã hội. Đây là minh chứng cho thấy tầm quan trọng của KH&CN đã tác động lên tăng trưởng kinh tế.
Các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào KH&CN luôn có năng suất lao động và tăng trưởng cao hơn các doanh nghiệp khác. |
Công nghệ tạo giá trị cao cho sản phẩm
Phát biểu tại hội thảo "Xác định đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam" vừa được tổ chức, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho biết, qua các giai đoạn phát triển kinh tế của các nước phát triển trên thế giới đã minh chứng cho thấy, KH&CN có tác động quan trọng tới việc nâng cao năng suất lao động (NSLĐ) và tăng trưởng kinh tế. Chiến lược KH&CN quốc gia và chính sách công nghiệp đã tạo tiền đề, khích lệ DN mạnh dạn khai thác yếu tố đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao năng lực canh tranh.
Sự thành công thần kỳ của các nước Đông Á trong phát triển kinh tế, khởi đầu bởi Nhật Bản, Hàn Quốc… đều dựa trên cách thức khá giống nhau, trong đó, KH&CN đều được coi là động lực chủ đạo. Thực tế cho thấy, quốc gia nào khai thác tốt hơn động lực KH&CN đều đã đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ. Đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế được biểu hiện thông qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp - TFP, trong đó TFP được tính bằng lượng giá trị gia tăng trên một đơn vị tổng hợp các yếu tố đầu vào là vốn và lao động.
Theo đánh giá của Viện Năng suất Việt Nam và Tổng cục Thống kê, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2011-2015 là khoảng hơn 28%. Tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế những năm qua đang có xu hướng tăng, cho thấy yếu tố đầu vào là vốn và lao động của nước ta đang được sử dụng hiệu quả hơn. Chỉ số trên cũng cho thấy đầu tư KH&CN góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế. DN quan tâm đầu tư KH&CN có NSLĐ cao gấp 1,5-2 lần so với các DN không quan tâm đầu tư cho KH&CN.
Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Việt Nam đang trên đà cải thiện năng suất mạnh mẽ, tuy nhiên khoảng cách so với các nước phát triển còn khá xa. Theo thống kê, NSLĐ của toàn xã hội năm 2014 ước đạt 74,3 triệu đồng/lao động. Nếu tính theo giá so sánh năm 2010, NSLĐ năm 2014 đạt 50,84 triệu đồng/lao động. Điều này cho thấy, NSLĐ hàng năm đều tăng với tỷ lệ bình quân khoảng 3,5%/năm. NSLĐ chịu ảnh hưởng bởi hai yếu tố bao gồm cường độ vốn và TFP. Do vậy, việc tăng cường đầu tư vốn vào các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tạo cơ sở hạ tầng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh như các công trình xây dựng, công trình giao thông… sẽ làm gia tăng NSLĐ.
Tăng năng suất - tăng thu nhập
Ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: Việt Nam là nước đang phát triển nên ở giai đoạn này tăng cường vốn đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, đặc biệt là bảo đảm khả năng bắt kịp các nước đã phát triển thì Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào thúc đẩy tăng năng suất thông qua phát triển KH&CN, cải thiện chất lượng lao động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực.
Theo PGS.TS Vũ Minh Khương (Đại học Quốc gia Singapore), thời điểm này, Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động đầu tư cho KH&CN, trong đó có yếu tố nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Ví dụ như Tập đoàn Samsung tại Bắc Ninh cần nâng cấp chất lượng lao động theo hình thức ban ngày làm việc, buổi tối học nâng cao kỹ năng, trình độ, đồng thời tăng lương theo trình độ mỗi người. "Nghèo tức là còn kho kiến thức vàng cần phải học hỏi, đây là thời kỳ Việt Nam đã làm được khá nhiều tuy chưa có đột biến lớn" - ông Khương cho biết.
Xét ý nghĩa tăng NSLĐ - cơ hội việc làm cho người lao động, Viện trưởng Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, về phương diện kỹ thuật, NSLĐ được đo bằng đầu ra trên số lao động đầu vào. Nếu chỉ tăng năng suất theo hướng giữ nguyên đầu ra và giảm lao động sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa lao động, trường hợp người lao động không nhận được công việc khác thì chắc chắn sẽ tăng số lao động thất nghiệp. Tuy nhiên, về dài hạn, khi các tổ chức, DN và nền kinh tế hoạt động với năng suất cao sẽ tạo khả năng cạnh tranh và thêm cơ hội mở rộng thị trường. Điều này chính là "đòn bẩy" thúc đẩy mở rộng sản xuất, tăng đầu tư phát triển, đồng nghĩa với tăng cơ hội có việc làm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.