(HNM) - SEA Games 26 đã khép lại. Với đoàn Thể thao Việt Nam, có thể nói là thành công bởi chẳng gì thì mục tiêu ban đầu chỉ là 70 huy chương vàng (HCV) nhưng thực tế các tuyển thủ mang về những 96 HCV. Đáng vui quá còn gì!
Nhưng sau niềm vui, như người ta thường nói với một giải thể thao dù là lớn nhất khu vực Đông Nam Á như SEA Games, điều quan trọng không phải là thành tích cụ thể mà là đường hướng mở ra sau đó. Nói vậy là bởi một HCV ở khu vực chưa chắc đã bảo đảm cho vận động viên đoạt được nó sẽ qua được vòng loại ở những đấu trường lớn hơn, như Olympic hay ASIAD. Chẳng gì, với Trần Lê Quốc Toàn, người đoạt HCV cử tạ hạng cân 56kg với thành tích tổng cử 280kg, vượt HCĐ thế giới có 4kg mà báo chí đã coi đó là một tín hiệu khả quan thì những tấm HCV khác, chưa thể "bén gót" HCĐ Olympic cho thấy điều gì ngoài ý nghĩa khẳng định trình độ trong một giải đấu vẫn mang tiếng "ao làng"? Bởi thế, điều quan trọng là tận dụng "bàn đạp" SEA Games để vươn ra tầm châu lục, thế giới.
Vậy thì từ SEA Games 26 ở Indonesia, thể thao Việt Nam đã thu được những gì?
Không vui mừng thái quá với vị trí top 3, bởi thành tích ấy chưa phản ánh hết tiềm năng của thể thao nước nhà, ta có thể tự tin khi nhìn thấy, nhìn rõ lứa trẻ tiến bộ khi được trao trọng trách. Ở SEA Games 26, thể thao Việt Nam đã đoạt HCV ở 12 môn, phân môn có trong chương trình thi đấu Olympic. Tín hiệu ấy cho thấy nhiều điều. Sự chuyển hướng đầu tư sang những môn được cả thế giới thừa nhận, như: điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ… đã cho kết quả đáng ghi nhận. Đó là sự xuất hiện của những tài năng trẻ bơi lội như Quý Phước, Ánh Vy… Đó còn là Phan Thị Hà Thanh dù không còn quá trẻ ở môn thể dục dụng cụ nhưng phát lộ khả năng tiếp cận đẳng cấp thế giới. Là Dương Văn Thái ở cự li chạy 800m nam, là Nguyễn Thanh Phúc ở cự li 20km đi bộ nữ, là Nguyễn Thị Phương kiệt sức cuối đường chạy 3.000m vượt chướng ngại vật nhưng vẫn gắng gượng qua đích trước khi lên cáng cứu thương… Những ví dụ kể trên cho thấy đã đến lúc khẳng định rằng sau SEA Games 26, thể thao Việt Nam đã qua giai đoạn "đi tắt đón đầu", thay vì kỳ vọng vào huy chương SEA Games hãy bắt đầu vào chu trình mới, lối đi trong những năm tới là hướng về những sân chơi lớn hơn.
Mục tiêu lớn hơn đòi hỏi một cách thức đầu tư khác, bài bản và căn cơ chứ không thể "có gì dùng nấy" hoặc vung tiền chỉ vì mục tiêu trước mắt. Ta hòa nhập sân chơi SEA Games đã lâu, đâu còn là lúc chắt chiu từng giải cao Đông Nam Á? Tức là đến lúc phải đầu tư theo định hướng mới như Chính phủ đã xác định những môn trọng điểm trong giai đoạn tới, đa số là những môn thể thao đi thi đấu Olympic.
Đầu tư bài bản nhất định phải khác cách thức "đi tắt đón đầu" mong thành tích nhanh chóng trong giai đoạn mới hòa nhập, nghĩa là phải chăm chút cho lớp VĐV trẻ những môn thi Olympic để tính đường dài, cơ bản. Muốn vậy, bài toán không hẳn là dinh dưỡng, là tiền đầu tư, là lo tập huấn nơi này nơi kia phù hợp, mà phải là chăm lo cho từ thể thao học đường và thể thao quần chúng, tức là xây gốc bền.
Mà thể thao học đường, ta đã làm đúng, làm đủ hay chưa?
Hãy xem xét nghiêm túc điều đó!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.