(HNM) - Ông Tuy ở Cổ Nhuế bị đại tràng mạn tính nên rất cẩn thận chuyện ăn uống. Sáng chủ nhật (1-3), ông Tuy đến nhà bạn ở phố Hàng Buồm hàn huyên tâm sự và có nhấm nháp miếng mứt Tết. Có vậy thôi mà khi vừa lên xe buýt để về nhà, ông đã thấy đau bụng...
- May quá, sắp tới vườn hoa Hàng Đậu rồi. Ở đó có đấy bác ạ. Để cháu bảo lái xe tăng tốc, đi nhanh chút!
Thấy ông có vẻ ngượng ngùng, một bà xuống cùng bến ở vườn hoa Hàng Đậu cười bảo:
- Việc gì bác phải ngượng, ai chả có lúc… Rõ khổ, khối người tìm không ra toa-lét công cộng đành xấu hổ đứng, ngồi sau gốc cây đấy! Nói rồi, bà khách chỉ cho ông cái toa-lét công cộng rất sạch đẹp, xong việc chỉ phải trả 3.000 đồng.
"Thoát hiểm", ông Tuy thở phào nhẹ nhõm nhưng cứ băn khoăn về chuyện, khắp thành phố "đầu vào" (hàng ăn uống) nhan nhản, nhưng "đầu ra" (toa-lét công cộng) đếm trên đầu ngón tay và thường chỉ ở các công viên, một vài phố lớn và vườn hoa trung tâm…
Nghe ông Tuy kể lại câu chuyện dở khóc, dở cười, Người Xây Dựng không thể cười được. Người Xây Dựng nhớ có lần chứng kiến một anh lái xe buýt tuyến 31, đến điểm cuối Bách Khoa cũng vội ra sau nhà chờ xe và "giải quyết nỗi buồn" vào khuôn viên của trường. Chắc bởi sau chuyến xe dài hàng chục kilômét, đường lại bị tắc, nhà vệ sinh không có nên anh đành... trở thành người mắc "bệnh tiểu đường" (?). Thiếu toa- lét công cộng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho gốc cây, cột đèn, góc phố... chỗ nào vắng khuất luôn bốc mùi xú uế. Trừ những người thiếu ý thức, còn những người rơi vào hoàn cảnh như ông Tuy thì biết tính sao? Xin gửi câu hỏi này tới cơ quan hữu trách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.