(HNM) - Chợ đầu mối là một trong những loại hình hạ tầng thương mại hàng đầu được thành phố đưa vào quy hoạch từ năm 2012 với Quyết định số 5058/QĐ-UBND vì mục tiêu chung rất rõ ràng: “Phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ để đưa ngành Thương mại trở thành ngành có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ của Hà Nội, tương xứng với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng và cả nước”.
Như tên gọi, chợ đầu mối phải đủ mạnh về hạ tầng để bảo đảm chức năng “đầu mối” tiếp nhận hàng hóa từ các nơi về và phân phối, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm của thành phố, các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, tính chất “đầu mối” phải thể hiện ở khả năng quản lý, bảo đảm chất lượng nguồn hàng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hiện nay, với 2 chợ đầu mối và 4 chợ kinh doanh có tính chất đầu mối, loại hình thương mại này ở Hà Nội mới đáp ứng được một phần rất nhỏ (14%) nhu cầu tiêu thụ của thành phố. Đặc biệt, không những chưa phát huy hiệu quả mà mô hình chợ đầu mối còn chưa sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về sản xuất nông sản trong bối cảnh mới nghĩa là liên kết theo chuỗi giá trị, có khả năng truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Rõ ràng, phát triển chợ đầu mối của Hà Nội hôm nay phải được đặt ra là gắn chặt hai yêu cầu là đầu mối về “kết nối” và “an toàn”. Việc đầu tư xây mới, phát triển hệ thống chợ đầu mối theo quy hoạch là yêu cầu tất yếu, song là việc cần được hiện thực hóa bằng nguồn lực kinh tế, thậm chí phải tính toán cẩn thận. Thực tế, từ năm 2012 đến 2017, do khó khăn về đầu tư, đã không có chợ đầu mối nào được xây mới trên địa bàn thành phố.
Trước mắt, hệ thống chợ đầu mối đã có phải được quản lý khai thác hiệu quả hơn để không chỉ tranh thủ, phát huy được nguồn lực có sẵn mà còn tạo cơ sở cho việc phát triển, xây dựng mới chợ đầu mối theo hướng phù hợp hơn. Cụ thể, cần hình thành cơ chế phối hợp, đường đi cho nông sản, thực phẩm từ các nơi về chợ đầu mối và từ đây đi các chợ khác, trong đó có mở rộng kết nối tới hệ thống siêu thị, trên cơ sở kiểm soát chất lượng chặt chẽ. Chú trọng đầu tư các cơ sở chế biến, bảo quản gắn với phân cấp trách nhiệm quản lý là yêu cầu tối quan trọng nhằm bảo đảm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm từ chợ đầu nguồn, trước khi tỏa ra các nhánh phân phối để tới bữa cơm của mỗi gia đình. Về vấn đề này, phải làm sao thu hút mạnh mẽ sự hưởng ứng, tham gia của các tiểu thương thông qua tuyên truyền tốt về chính sách pháp luật, những lợi ích của liên kết theo chuỗi giá trị… tới lực lượng này.
Song song với đó, vẫn cần tiếp tục rà soát việc thực hiện Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, bám sát chỉ đạo của thành phố về điều chỉnh cục bộ quy hoạch này. Đồng thời, không thể bỏ qua việc tính đến sự hài hòa, phù hợp với các quy hoạch khác liên quan đến chợ đầu mối ở cấp vùng, cấp quốc gia… Tính toán tốt về quy hoạch, kế thừa, rút kinh nghiệm từ các mô hình chợ đầu mối đã có ở Hà Nội và cả nước cũng sẽ giúp việc xây mới chợ đầu mối một cách khoa học, hiệu quả hơn. Ví như, có quy mô, kế hoạch đầu tư khai thác thì sẽ có thiết kế tương ứng về diện tích, quy hoạch khu vực, lối đi hợp lý…
Phát triển chợ đầu mối là góp phần hình thành nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, là giải pháp kết nối sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại lợi ích cho nhiều bên. Vì vậy, trong mọi khâu của quá trình xây dựng, phát triển hệ thống chợ đầu mối đều không thể bỏ qua hai yếu tố đặc biệt quan trọng là khả năng kết nối và tính an toàn của sản phẩm hàng hóa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.