Nông nghiệp - Nông thôn

Thạch Thất đổi mới sau 15 năm hợp nhất

Ngọc Quỳnh 31/07/2023 - 13:52

Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, huyện Thạch Thất có thêm 3 xã: Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Sau 15 năm, nông thôn mới trên địa bàn huyện có nhiều khởi sắc, đường làng, ngõ xóm đầu tư đồng bộ, khang trang, đời sống người dân ngày một nâng cao, kinh tế phát triển toàn diện.

anh-xa-tien-xuan.jpg
Mô hình trồng rau công nghệ cao ở xã Tiến Xuân cho hiệu quả kinh tế cao.

Kinh tế phát triển toàn diện

Tiến Xuân là một trong những xã xuất phát điểm có nhiều khó khăn trước khi "về với Hà Nội", nhưng hôm nay, bộ mặt nông thôn của xã khác xưa; đặc biệt là điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa... được đầu tư đồng bộ, khang trang.

Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, Tiến Xuân hôm nay đổi thay tích cực, xã được thành phố, huyện đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng. Hiện, đời sống kinh tế - xã hội của người dân tiếp tục được cải thiện. Không chỉ thế, người dân trên địa bàn xã được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nhiều hộ chăn nuôi quy mô trang trại; phát triển nghề trồng rừng (trên núi cao), trồng cây ăn quả (dưới chân núi); đa số lao động trẻ có việc làm tại các công ty, doanh nghiệp trong vùng... Nhờ đó, đến nay, thu nhập bình quân của Tiến Xuân đạt khoảng 70 triệu đồng/người/năm.

Là một trong những hộ trồng cây ăn quả lớn và cho giá trị cao ở xã Yên Bình - ông Bùi Thanh Vân, ở thôn 5, xã Yên Bình cho biết: "Trước đây, nông dân trên địa bàn xã chỉ biết trồng lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng nhờ có cuộc hợp nhất lịch sử mà gia đình tôi cũng như rất nhiều hộ dân trên địa bàn xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Gia đình đang trồng gần 1ha bưởi, nhãn; xung quanh trồng chuối; dưới tán cây ăn quả, duy trì vườn chè... mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng".

thanh-long-ruot-do-yen-trung.jpg
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở xã Yên Trung.

Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trung Kiều Quang Huấn cho biết, Yên Trung có 2/3 là đất rừng, 82% là người dân tộc Mường, trước đây khi chưa hợp nhất, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Sau 15 năm, người dân được tiếp cận với công nghệ mới, biết làm ăn kinh tế, nên trên địa bàn xã xuất hiện nhiều mô hình trồng thanh long ruột đỏ, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Nếu như thời điểm năm 2008, thu nhập bình quân ở Yên Trung chỉ đạt dưới 30 triệu đồng/người/năm thì nay đạt 65 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, còn dưới 1%. Năm 2023, Yên Trung phấn đấu không còn hộ nghèo.

Trước khi hợp nhất, huyện Thạch Thất có diện tích đất tự nhiên là 13.183,67ha với 20 đơn vị hành chính; dân số 164.886 người. Sau hợp nhất, huyện Thạch Thất có thêm 3 xã: Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình chuyển từ huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) sang. Đến nay, tổng diện tích đất tự nhiên của huyện là 18.459ha với 23 đơn vị hành chính, gồm 22 xã, 1 thị trấn (12 xã, thị trấn vùng nông giang; 8 xã vùng đồi gò và 3 xã miền núi) với 122 thôn, tổ dân phố. Dân số 225.955 người (dân tộc Mường chiếm 5,2% dân số toàn huyện).

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, được sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND, các sở, ngành của thành phố Hà Nội; sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy - HĐND - UBND huyện, Thạch Thất nỗ lực huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, đạt kết quả tích cực. Cơ cấu kinh tế của Thạch Thất chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.

yen-trung(1).jpg
Đường làng ngõ xóm ở Yên Trung được đầu tư khang trang.

Sau 15 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, thu nhập bình quân của người dân huyện Thạch Thất đã tăng từ 11,6 triệu đồng lên 91 triệu đồng/người/năm, đánh dấu sự phát triển vượt bậc, toàn diện về kinh tế - xã hội. Tận dụng lợi thế sẵn có cùng với phát triển những ngành kinh tế mới, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn toàn huyện thực hiện năm 2023 ước đạt 35.913.480 triệu đồng, tăng trưởng bình quân đạt 12,5%/năm; thu nhập bình quân năm 2023 của huyện phấn đấu đạt 100 triệu đồng/người/năm (mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu đạt 120 triệu đồng/người/năm).

Tập trung xây dựng nông thôn mới

Trong 15 năm qua, xây dựng nông thôn mới tại huyện Thạch Thất đạt nhiều thành tựu quan trọng. Năm 2013, Đại Đồng là xã đầu tiên của huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2018, tất cả các xã trong huyện đều đạt nông thôn mới. Năm 2020, Thạch Thất vinh dự được đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

“Xác định mục tiêu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc, Huyện ủy, UBND huyện Thạch Thất đã tập trung chỉ đạo, xây dựng các xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện phấn đấu hết năm 2023 có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu”, ông Nguyễn Mạnh Hồng cho biết thêm.

cong-chieng.jpg
Người dân xã Yên Bình lưu giữ và bảo tồn văn hóa cồng chiêng trong các hội nghị, ngày lễ...

Là vùng đất "địa linh nhân kiệt" với bề dày văn hóa lịch sử của xứ Đoài, huyện Thạch Thất có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội. Sau 15 năm, công tác giữ gìn văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội cũng được huyện quan tâm. Người Mường ở Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân vẫn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc như: Nhà sàn, trang phục, ẩm thực, cồng chiêng, các làn điệu hát, múa, trò chơi dân gian...

Thời gian qua, được sự hỗ trợ của huyện, các xã đã hướng dẫn các thôn, trường học trên địa bàn tổ chức hội thi trình diễn trang phục dân tộc Mường, hoạt động tập thể, đợt sinh hoạt văn hóa, văn nghệ bằng tiếng Mường...

tien-xuan.jpg
Nông thôn mới ở xã Tiến Xuân.

Nhờ được quan tâm đầu tư nên đời sống của người dân ở xã Yên Trung ngày được nâng cao, hệ thống xe buýt về đến tận thôn, xóm, thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương, phát triển kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Khánh Hường, ở thôn Lặt, xã Yên Trung phấn khởi nói: “Hiện nay trên địa bàn xã, hệ thống xe buýt về đến tận thôn, xóm, trung bình 1 ngày có 10-12 chuyến. Người dân rất vui vì sau 15 năm, tất cả đã thay đổi; điện, trường, trạm đều được đầu tư khang trang, kinh tế phát triển và chúng tôi còn được hưởng nhiều dịch vụ công cộng khác”...

Với địa thế là khu vực chuyển tiếp giữa vùng núi và trung du phía Bắc với vùng đồng bằng, kết nối liên vùng Tây Bắc với hệ thống giao thông nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển kinh tế, như: Đại lộ Thăng Long, quốc lộ 21A, quốc lộ 32, tỉnh lộ 419, 420; Đại học Quốc gia Hà Nội; đặc biệt là quy hoạch đô thị vệ tinh Hòa Lạc với diện tích 17.074ha, Thạch Thất đang có cơ hội lớn phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thạch Thất đổi mới sau 15 năm hợp nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.