(HNMO) - Tự kỷ là một loại bệnh ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại, thể hiện qua sự rối loạn trong quá trình phát triển tự nhiên của con người. Chẩn đoán và có sự can thiệp kịp thời ngay từ giai đoạn đầu là vô cùng quan trọng trong việc điều trị và cải thiện kỹ năng, nhận thức của trẻ mắc bệnh tự kỷ.
(Ảnh minh hoạ) |
Những triệu chứng ban đầu, thường xuất hiện rõ nhất khi trẻ từ 12 đến 18 tháng tuổi, có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Điều này khiến các bậc phụ huynh gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định tình trạng thực sự của con mình.
Theo các chuyên gia, hơn 1 nửa cha mẹ có con mắc bệnh tự kỷ không hề nhận ra những triệu chứng bệnh lý của trẻ. Không phải đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ nào cũng có những biểu hiện sớm, nhất là trước giai đoạn 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, nếu tinh ý, chỉ một vài dấu hiệu nhỏ cũng là điều cha mẹ cần lưu tâm.
Các rối loạn trong quá trình phát triển thần kinh được đặc trưng bởi sự khác biệt trong hành vi xã hội, giao tiếp và nhận thức. Các dấu hiệu này rất đa dạng, từ chậm nói cho đến những biểu hiện bất thường trong hành vi và cảm giác.
Để giúp cha mẹ nhận biết và có biện pháp kịp thời, dự án nghiên cứu bệnh tự kỷ Autism Speaks đã liệt kê những dấu hiệu phổ biến thông qua đoạn video ngăn về một cậu bé có tên Jacob. Tư đó, người xem có thể dễ dàng nhận thấy một số biểu hiện như khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ và ánh mắt rất hạn chế; nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng; có nhiều hành động lặp đi lặp lại như vỗ cánh tay…
Thông qua đoạn video này, Autism Speaks muốn nhắn nhủ thông điệp: “Sự can thiệp sớm có thể tạo ra một cuộc sống hoàn toàn khác biệt”.
Ngoài những dấu hiệu cảnh bảo chung được liệt kê ở trên, dưới đây là 5 dấu hiệu bệnh tự kỷ theo tổng kết của chuyên gia mà các bậc phụ huynh nên lưu tâm.
1. Không phản ứng lại khi nghe tên mình: Những đứa trẻ khoẻ mạnh sẽ phản ứng - thường là bằng cách quay người - khi nghe một người thân gọi tên. Trong khi đó, theo thống kê, hơn 80% số trẻ mắc bệnh tự kỷ không hề có bất kỳ phản ứng gì với tên gọi của mình.
2. Không có sự “chú ý chung”: Sự “chú ý chung” là một phần của kỹ năng ngôn ngữ, nó cho thấy khả năng chia sẻ điều gì đó với người khác. Ví dụ như khi nhìn lên bầu trời và thấy một chiếc máy bay, đứa trẻ sẽ quay ra nhìn mẹ như muốn nói: “Mẹ có biết con đã thấy gì không”. Các chuyên gia cho rằng những đứa trẻ hiếu động hơn thường phát triển kỹ năng ngôn ngữ nhanh hơn”.
3. Không bắt chước hành vi của người khác: Những đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ ít có khả năng phản ánh lại những gì được nghe và nhìn thấy – như mỉm cười, vẫy tay, vỗ tay…
4. Không tham gia vào các trò chơi “đóng vai”: Khi được 2 – 3 tuổi, trẻ con thường thích chơi các trò chơi đóng vai hay giả vờ như làm mẹ của búp bê, dùng 1 quả chuối làm điện thoại… Trong khi đó, trẻ bị tự kỷ ít tham gia các trò chơi kiểu này.
5. Không phản ứng với cảm xúc: Trong khi những đứa trẻ bình thường rất nhạy cảm với cảm xúc của người khác, nhất là của cha mẹ mình, thì trẻ mắc bênh tự kỷ thường ít khi đáp lại nụ cười hay khóc theo một đứa trẻ khác.
Lưu ý, đây chỉ là những dấu hiệu chung và phổ biến nhất. Bên cạnh đó còn có nhiều triệu chứng bệnh khác, đồng thời không phải bất kỳ trẻ nào có các dấu hiệu trên đều mắc bệnh tự kỷ.
Khi thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường, cha mẹ nên lưu tâm và theo dõi chặt chẽ, nhất là khi trẻ được 12 tháng tuổi và tới gặp các bác sĩ nhi khoa để được tư vấn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.