(HNM) - Để giảm thời gian chờ đợi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, UBND TP Hà Nội đang tính đến phương án thí điểm ủy quyền cho công chức tư pháp cấp xã được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.
Theo ông Phạm Thanh Cao, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, chứng thực hợp đồng giao dịch, đặc biệt là các giao dịch về đất đai, tài sản liên quan đến đời sống, sinh hoạt… là nhu cầu rất lớn của người dân. Với việc triển khai Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16-2-2015 của Chính phủ về “Cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch” đã tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục chứng thực hợp đồng giao dịch với thành phần hồ sơ đơn giản, thời hạn giải quyết nhanh chóng.
Nhiều trường hợp, cùng một loại việc, cùng trình tự thủ tục, giá trị pháp lý, nhưng lệ phí chứng thực tại UBND cấp huyện, xã thấp hơn nhiều so với lệ phí công chứng. Do đó, nếu được lựa chọn, người có yêu cầu thích chứng thực hợp đồng, giao dịch hơn công chứng.
Về bản chất, nhiệm vụ của người làm công tác chứng thực là kiểm tra, đối chiếu, bảo đảm bản sao giấy tờ, văn bản đúng với bản gốc và xác định chữ ký là đúng của người xuất trình giấy tờ tùy thân nên việc thực hiện ở nhiều nơi đã thành nền nếp.
Do đó, Sở Tư pháp Hà Nội đang trình UBND thành phố Đề án “Thí điểm ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch ký một số văn bản chứng thực thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã”, hướng tới mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trong lĩnh vực này.
Đón nhận thông tin trên, các quận, huyện, thị xã đều bày tỏ quan điểm đồng tình, ủng hộ. Lý do là không riêng ở Hà Nội mà theo phản ánh của những địa phương - nơi có nhu cầu chứng thực bản sao lớn, Chủ tịch/Phó Chủ tịch UBND cấp xã phải dành quá nhiều thời gian cho việc ký chứng thực bản sao nên không còn thời gian dành cho công việc quản lý nhà nước.
Theo thống kê, nhu cầu bản sao không giảm đi mà còn tăng lên theo năm, tháng. Trong khi đó, đây là những chức danh được bầu để thực hiện công việc chính là quản lý nhà nước. Việc những chức danh này phải dành quá nhiều thời gian để giải quyết các việc sự vụ như ký chứng thực bản sao… là chưa hợp lý.
Đây là nguyên nhân cơ bản khiến việc chứng thực bản sao từ bản chính tại hầu hết các UBND cấp xã đều có những thời điểm không bảo đảm được thời gian theo quy định của pháp luật hoặc một số UBND cấp xã chỉ tiếp nhận yêu cầu chứng thực vào một số buổi làm việc trong tuần.
Từ thực tế này, việc nghiên cứu giao cho công chức tư pháp - hộ tịch ký một số văn bản chứng thực như bản sao, chữ ký… nhằm rút ngắn thời gian giải quyết sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, công chức tư pháp - hộ tịch không phải là một chức danh có thẩm quyền ký, do đó chữ ký của công chức tư pháp - hộ tịch không được đóng dấu của UBND cấp xã. Để tháo gỡ vướng mắc, luật gia Nguyễn Quang Vững và nhiều ý kiến cho rằng, các văn bản về công tác văn thư cần có quy định linh hoạt về thẩm quyền ký, đóng dấu để tạo thuận lợi cho các lĩnh vực đặc thù như chứng thực.
Về vấn đề này, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) cũng nêu quan điểm, nếu thực hiện phương án của Hà Nội, lãnh đạo chính quyền cấp xã sẽ có nhiều thời gian làm những việc khác quan trọng hơn cho nhân dân, cho xã hội. Tuy nhiên, để ủy quyền được, phải rà soát các văn bản hiện hành liên quan đến lĩnh vực chứng thực, nhất là cơ chế ủy quyền trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
“Ngoài lấy ý kiến của Bộ Tư pháp, UBND TP Hà Nội nên lấy ý kiến của Bộ Nội vụ cũng như một số bộ, ngành liên quan để tạo sự đồng thuận” - ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.