Thời gian qua, việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền theo các chủ trương, nghị quyết, quyết định của Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội đã giúp các cấp chủ động hơn trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh việc đón nhận những cơ hội mới, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung khẳng định, điều này cũng đồng nghĩa với yêu cầu tăng trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Trước tiên, đồng chí có thể cho biết những kết quả nổi bật của quận sau hơn một năm triển khai các Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội về phân cấp, ủy quyền?
- Cùng với 29 quận, huyện, thị xã khác trên địa bàn Hà Nội, thời gian qua, quận Hai Bà Trưng đã triển khai Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 12-9-2022 của HĐND thành phố Hà Nội về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 12-9-2022 của HĐND thành phố Hà Nội thông qua Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn.
Trước nhiệm vụ quan trọng này, một mặt quận nghiêm túc triển khai thực hiện, song cũng không khỏi lo lắng vì thời gian đầu có nhiều việc khó, việc mới. Tuy nhiên, chúng tôi xác định đây là cơ hội để tiếp tục nâng cao năng lực, trình độ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; giúp quận chủ động hơn trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là cơ sở để quận tập trung tháo gỡ những nút thắt, bất cập thời gian qua. Việc triển khai nghiêm túc chỉ đạo của thành phố đã làm thay đổi cơ bản tư duy, cách nghĩ, cách làm theo hướng chủ động, sáng tạo hơn thay vì trông chờ, thực hiện thụ động, theo lối mòn như trước đây.
Thành công nổi bật của quận trong hơn một năm qua là kết quả thực hiện phân cấp, ủy quyền gắn với chuyển đổi số theo tinh thần của Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số đạt nhiều kết quả quan trọng.
Việc số hóa các thủ tục hành chính và thực hiện chữ ký số đã được triển khai đến các phòng và 18 phường của quận. Đến nay, toàn quận có 33.000 công dân đăng ký thành công chữ ký số miễn phí (là đơn vị dẫn đầu thành phố trong thực hiện nội dung này). Chúng tôi phấn đấu bình quân mỗi gia đình có một người có chữ ký số (hơn 80.000 hộ dân) để thanh toán không dùng tiền mặt và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
- Quận Hai Bà Trưng là một trong những đơn vị làm tốt công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số. Vậy, chất lượng nguồn nhân lực có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không, thưa đồng chí?
- Qua hơn một năm thực hiện, về cơ bản, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của quận đáp ứng được các yêu cầu công việc. Tuy nhiên, cải cách hành chính và chuyển đổi số là cả một quá trình với nhiều việc khó, nên chúng tôi đề ra phương châm vừa làm vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm từ thực tiễn. Khó khăn lớn nhất với quận là số lượng công việc ngày một nhiều trong khi số lượng cán bộ giảm đi do các nguyên nhân khác nhau.
Với việc thực hiện chính quyền đô thị, mỗi phường trên địa bàn chỉ có bình quân 15 cán bộ, công chức. Cán bộ, công chức làm việc tại các phòng chuyên môn thuộc UBND quận có số lượng hạn chế. Vì vậy, từng cá nhân phải kiêm nhiệm nhiều việc mới bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chung của đơn vị. Chúng tôi cũng đã kiến nghị, đề xuất thành phố cho phép tuyển dụng thêm công chức, để đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc. Đồng thời, quận linh hoạt sử dụng công chức, viên chức, người lao động giữa các phòng, ban, đơn vị, UBND các phường; chủ động phối hợp với các sở, ngành để giúp đỡ, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, hỗ trợ nhân lực, nhất là trong giai đoạn đầu thực hiện các nhiệm vụ phân cấp, ủy quyền.
- Cùng với chủ động giải quyết thủ tục hành chính, việc phân cấp, ủy quyền cũng có nhiều việc khó, việc mới. Vậy quận giải quyết những việc này ra sao?
- Khối lượng phần việc phân cấp, ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cho các địa phương hiện nay rất lớn và nhiều việc mới, việc khó, như: Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; quản lý, duy tu, duy trì hoạt động các công viên, vườn hoa, hồ nước, cây xanh, hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống thoát nước; tổ chức và quản lý hoạt động không gian phố đi bộ,…
Bên cạnh thực hiện kiểm định, rà soát quy hoạch để cải tạo 300 chung cư, nhà tập thể cũ trên địa bàn, quận đã thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8-4-2022 của HĐND thành phố và chỉ đạo của UBND thành phố về đầu tư xây dựng, cải tạo trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo. Theo đó, UBND quận tập trung triển khai đầu tư xây dựng các trường trung học phổ thông công lập và dự kiến hoàn thành trong năm 2024 và 2025. Năm nay, quận tiếp tục được thành phố phân cấp quản lý 2 công viên lớn là Công viên Tuổi trẻ Thủ đô và Công viên Thống Nhất, với quy mô hàng chục héc ta, khối lượng công việc rất lớn. Thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, thực hiện việc khó, việc mới trong giai đoạn đầu cần phải nghiên cứu, tìm tòi và đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao.
- Rõ ràng, chủ trương phân cấp, ủy quyền của thành phố cho các địa phương là đúng đắn. Đồng chí có thể chia sẻ sự khác biệt so với trước khi có chủ trương này?
- Thực ra, việc so sánh nên để người dân và các đơn vị thụ hưởng cảm nhận sẽ rõ hơn. Song, tôi nhận thấy rằng việc phân cấp, ủy quyền giúp quận chủ động thời gian hơn nhiều so với trước đây. Một số dự án giao cho quận triển khai như cải tạo các vườn hoa, dự án xây dựng vườn hoa xung quanh hồ Thiền Quang, không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận, dự án cải tạo, sửa chữa các trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn quận đã được thực hiện một cách chủ động và tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí. Nói như vậy để thấy, với các quận, huyện có điều kiện về ngân sách và gắn với thực tế ở địa phương thì việc phân cấp, ủy quyền sẽ rất hiệu quả và những công trình được đầu tư xây dựng bảo đảm chất lượng, hiện đại.
- Thưa đồng chí, từ thực tiễn trên, kinh nghiệm thành công trong phân cấp, ủy quyền mà quận đúc rút được là gì?
- Tôi vẫn thường xuyên chia sẻ với các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của quận rằng, chúng ta cần mạnh dạn, năng động, chủ động, sáng tạo và không đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm; không được ngại khó, ngại khổ. Điều quan trọng là chúng ta phải đoàn kết, quyết tâm làm theo đúng quan điểm chỉ đạo và định hướng của thành phố cũng như các chương trình, nghị quyết của Đảng bộ quận.
Một kinh nghiệm nữa được rút ra là phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong mọi nhiệm vụ, công việc được giao. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn chỗ nào phải kịp thời tháo gỡ ngay; đồng thời chủ động phối hợp với các sở, ngành; báo cáo thành phố những nội dung vượt thẩm quyền để công việc được triển khai hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cấp quận, huyện cũng đồng nghĩa với khối lượng công việc tăng, khó khăn nhiều, nên chúng tôi thường xuyên phải động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để mọi người có tinh thần làm việc. Chắc chắn thời gian tới sẽ có thêm nhiều nhiệm vụ tiếp tục được phân cấp, ủy quyền khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua. Vì thế, chúng tôi đã chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phát huy sức mạnh nội tại để sẵn sàng thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có như vậy, việc phân cấp, ủy quyền mới thực sự hiệu quả và tạo sự chủ động cho các địa phương trong công tác quản lý nhà nước.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.