Ngày 14-10, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045”.
Tại hội thảo, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin, tính đến tháng 9-2024, cả nước có 1.886 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 399 trường cao đẳng, 429 trường trung cấp và 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập là 684 cơ sở (chiếm 36,2%).
Cơ cấu tổ chức này đã tạo ra một mạng lưới đào tạo rộng khắp, giúp đáp ứng nhu cầu học tập và phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người dân trên cả nước…
Tuy nhiên, công tác đào tạo nhân lực tay nghề cao ở Việt Nam vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như chính sách, pháp luật chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn; năng lực quản lý nhà nước, nhất là ở địa phương còn yếu kém; chất lượng đào tạo không đồng đều giữa các cơ sở đào tạo; mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp chưa chặt chẽ.
Ngoài ra, phần lớn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khó khăn trong tuyển sinh, vướng mắc trong triển khai dạy văn hóa; các chính sách hỗ trợ cho việc phát triển đào tạo nghề chưa đủ mạnh, chưa thu hút được nhiều người tham gia vào các ngành nghề kỹ thuật cao...
Đáng lưu ý, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 là 27%. Tính đến cuối năm 2023, cả nước vẫn còn 38 triệu lao động chưa qua đào tạo. Trình độ học vấn của lực lượng lao động qua đào tạo ở Việt Nam thấp, chủ yếu là trung học cơ sở (67%); năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực; trình độ đào tạo sơ cấp, dưới 3 tháng còn chiếm tỷ lệ cao (75%)…
Tương tự, theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay vẫn đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực. Vì vậy, làm thế nào để thu hút và giữ chân được đội ngũ lao động trình độ cao, công nhân giỏi nghề... luôn là mối quan tâm của các doanh nghiệp. Vì vậy, chú trọng tăng nhanh tỷ lệ nguồn nhân lực có trình độ cao hướng tới tiêu chuẩn quốc tế là đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Tuy nhiên, sự tham gia của doanh nghiệp chưa đồng đều và đủ mạnh để tạo ra sự thay đổi đột phá trong chất lượng đào tạo nghề…
Để giải quyết bài toán này, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, cần xây dựng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp trong công tác đào tạo song hành cùng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quy định quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác đào tạo song hành để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội.
Bên cạnh đó, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm tăng cường gắn kết giữa nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề và giải quyết việc làm cho người học…
Tại hội thảo, nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm tập trung vào những đề xuất, sáng kiến, giải pháp tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét trong công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.