(HNMCT) - Tuyệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được UNESCO tôn vinh như một tài sản vô giá của nhân loại và đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ, cũng như được chuyển soạn sang nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Và lần đầu tiên trên sân khấu Việt, vở nhạc kịch Kim Vân Kiều do các nghệ sĩ Pháp thể hiện vào tối 25-9 vừa qua đã mang đến cho công chúng Thủ đô một cảm nhận khác lạ về kiệt tác này.
Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Christophe Thiry, người đã chuyển thể rất thành công, đưa Truyện Kiều đến gần hơn với công chúng Pháp.
- Thưa đạo diễn Christophe Thiry, anh đến với tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du ra sao và vì sao anh lại quyết định đưa tác phẩm này lên sân khấu nhạc kịch?
- Tôi có một người bạn Việt Nam đang sống tại Paris và anh ấy thường xuyên đến xem các vở nhạc kịch ở nhà hát L’Attrape Théâtre của chúng tôi. Anh ấy đã tặng tôi một cuốn Truyện Kiều. Khi đọc bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Khắc Viện, tôi thấy đây là một tác phẩm vô cùng sâu sắc, sống động, hài hước nhưng cũng dữ dội và tôi muốn được đưa câu chuyện này lên sân khấu. Đối với tôi đây là một quyết định táo bạo vì tôi không biết nhiều về văn hóa Việt Nam cũng chưa từng đến Việt Nam trước đó.
Nhưng như tất cả những tác phẩm do tôi dàn dựng, dù là kịch của Molière hay Shakespeare thì trước tiên tôi cũng phải tìm hiểu kỹ về nó, từ tác giả, thời đại khi tác phẩm ra đời... và để mình chìm đắm trong thế giới của tác phẩm. Khi tìm hiểu Truyện Kiều tôi càng thấy nó hấp dẫn, sâu sắc. Đây là câu chuyện mang tính phổ quát của nhiều thời kỳ, bao quát nhiều nền văn hóa nên khi đọc tôi cảm giác như được du hành qua nhiều nước châu Á.
- Vở Kim Vân Kiều của anh đã đánh dấu lần đầu tiên Truyện Kiều được chuyển thể lên sân khấu nhạc kịch. Đây là một tác phẩm truyện thơ được viết cách đây nhiều thế kỷ, vậy có những khó khăn gì trong quá trình thực hiện tác phẩm này?
- Kim Vân Kiều là một vở nhạc kịch nên tôi phải kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật với nhau từ múa, pop, opera... Tôi có làm việc với hai nhạc sĩ Việt Nam là Mai Thanh Sơn và Mai Thành Nam với mong muốn đưa một phần văn hóa Việt Nam đương đại vào một vở kịch về Việt Nam xa xưa. Bên cạnh đó, tôi cũng kết hợp giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa châu Âu để tạo ra cầu nối văn hóa hài hòa, chẳng hạn tôi vừa cho diễn tấu các nhạc cụ Tây phương như violon, piano, guitar, vừa dùng những nhạc cụ dân tộc Việt Nam như trống, sáo, đàn nguyệt...
Truyện Kiều của Nguyễn Du là một tác phẩm văn học thơ ca lớn, giàu có, phong phú nhưng không đi theo hướng một vở kịch có lớp lang nên khi chuyển soạn sang kịch phải làm sao ra được một kịch bản có lớp lang là điều khó, nhất là khi vở kịch của tôi hướng tới khán giả Paris, họ rất khắt khe. Chúng tôi mất 1 năm từ khi chuyển soạn kịch bản đến khi hoàn thành vở diễn.
- Nói đến Truyện Kiều, công chúng Việt sẽ tưởng tượng ra một vở kịch cổ trang nhưng tác phẩm của anh lại tái hiện câu chuyện này bằng một ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo với góc nhìn mới, hiện đại, sân khấu rất lạ. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này?
- Tôi lựa chọn sân khấu để trống, không có bất kỳ trang trí gì ngoài một số nhạc cụ. Tôi muốn người nghệ sĩ thể hiện thăng hoa trí tưởng tượng. Họ phải đi qua những không gian, thời gian khác nhau bằng trí tưởng tượng của mình. Khán giả sẽ hiểu được câu chuyện thông qua hai diễn viên đóng vai người kể chuyện. Đây là lựa chọn của tôi để tạo ra sự hòa hợp của không gian văn hóa xa xưa và hiện đại. Xu hướng hiện nay là tạo ra sự hòa trộn giữa truyền thống và hiện đại. Tôi muốn khán giả khi xem một kiệt tác từ Việt Nam thì phải hiểu và chạm được vào văn hóa Việt.
- Tác phẩm đã ra mắt thành công tại Paris với 5 đêm diễn vào tháng 6-2017. Anh nghĩ điều gì khiến khán giả Paris đương đại vẫn có thể đồng cảm với câu chuyện có bối cảnh từ thế kỷ XVI ở một đất nước xa xôi đến như vậy?
- Đúng như bạn nói, sự khác biệt về văn hóa là rất rõ. Cuộc đời Kiều với những biến cố liên tiếp không thể nào thoát ra về mặt văn hóa là quá sức chịu đựng, thậm chí có nhiều chi tiết khó hiểu với chúng tôi. Ngay cả các diễn viên của tôi, họ cũng băn khoăn không hiểu tại sao lại có những tình huống như Kiều phải bán mình chuộc cha, hay Kiều gán duyên cho Thúy Vân... Nhưng người nghệ sĩ luôn tìm kiếm những sự mới lạ, họ nhanh chóng vượt lên khoảng cách văn hóa để thể hiện được giá trị phổ quát, giá trị triết học ẩn sâu của tác phẩm. Trong vở kịch, khán giả không chỉ gặp 1 mà là 3 nàng Kiều, ở nhiều quốc tịch, nhiều thời đại khác nhau.
Họ là đại diện cho những tâm hồn trong trắng, sự thuần khiết, cái đẹp nhưng luôn gặp phải những bi kịch trong cuộc sống. Khán giả ở Paris hôm nay cũng đang phải đối diện với những bất an “từ trên trời rơi xuống” như chủ nghĩa khủng bố chẳng hạn, vì vậy họ dễ đồng cảm, thấy được giá trị thời đại của tác phẩm. Truyện Kiều là một câu chuyện có tính biểu tượng, một cánh cửa để mở ra nền văn hóa khác nhưng cũng để nhìn nhận lại chính đời sống của chúng ta.
- Xin cảm ơn đạo diễn đã chia sẻ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.