(HNM) - Thời gian qua, từ cấp huyện, tỉnh, thành đến trung ương diễn ra nhiều hoạt động vinh danh các doanh nghiệp. Một mặt đó là điều đáng mừng, nhưng mặt khác lại đáng lo!
Danh hiệu là sự đánh giá, ghi nhận, tôn vinh những thành tích, đóng góp của cá nhân hay tập thể đối với xã hội. Những người đạt được danh hiệu đúng nghĩa, dù là học sinh tiên tiến hay học hàm giáo sư; nhà nông sáng tạo hay cử nhân thủ khoa hay doanh nghiệp trẻ tài năng, anh hùng lao động... đều được bạn bè, đồng nghiệp khâm phục, xã hội tôn trọng. Họ xứng đáng được như vậy vì để được vinh danh thực sự cần phải nỗ lực, cống hiến hết mình và ở những chừng mực nhất định, là tấm gương trong xã hội, là "thần tượng" cho giới trẻ noi theo. Tấm gương của họ có thể tạo nên cả phong trào thi đua rộng lớn trong xã hội.
Tuy nhiên, trong mấy năm qua đã xuất hiện tình trạng trao tặng dễ dãi, tùy tiện các loại danh hiệu. Có những danh hiệu người ta cứ thế áp đặt, không cần dựa trên một chuẩn mực, một quyết định nào. Hàng loạt chương trình "tôn vinh" các doanh nhân, doanh nghiệp được tổ chức để trao tặng rất nhiều loại danh hiệu: Tốp 500, Tốp 100: Xuất sắc nhất; tiếp thị giỏi nhất, văn hóa nhất; xuất khẩu nhất, xã hội hóa nhất, từ thiện nhất... Hàng nghìn doanh nghiệp, doanh nhân, hàng nghìn mặt hàng được trao đủ các danh hiệu mỗi năm… với những "cơn mưa" danh hiệu như vậy, có cảm giác rằng nước ta có rất nhiều doanh nghiệp giỏi và đương nhiên sẽ giàu có ngay.
Vậy mà, trên thị trường trong nước, hàng Việt Nam vẫn trầy trật lép vế trước hàng Trung Quốc địa phương không rõ xuất xứ, chất lượng, độ an toàn. Bởi hàng ta, dù được dán đầy mình các loại danh hiệu, nhìn chung vẫn rất kém về mẫu mã, loại hình, chất lượng và nhất là giá không có tính cạnh tranh một chút nào. Nhiều doanh nghiệp của ta, với đủ các danh hiệu, vậy mà vẫn không có nổi vài thương hiệu đáng giá trên thị trường khu vực.
Thông thường, trên thế giới nếu một doanh nghiệp giành được danh hiệu tại một triển lãm quốc gia hay quốc tế sẽ được mời chào những hợp đồng lớn, thậm chí có thể trở thành một thương hiệu mới. Ở nước ta, tiếc thay, giá trị thực của danh hiệu không lớn, và nói chung ít được coi trọng bởi doanh nghiệp giành được danh hiệu quá dễ, nhiều khi không thực chất. Một doanh nghiệp trong Tốp 500 không bảo đảm thực lực đúng như vậy. Một doanh nhân "từ thiện" không có nghĩa là hàng hóa dịch vụ của ông đúng như danh hiệu đạt được...
Chủ đề chính của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2011 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hà Nội ngày 2-12 là giai đoạn mới cho tăng trưởng cạnh tranh. Để đạt mục đích đó cần những thương hiệu được thị trường trong và ngoài nước công nhận chứ không phải những danh hiệu kiểu "con hát mẹ khen hay". Tạo dựng thương hiệu là một quá trình lao động lâu dài, gian khổ, trung thực và sáng tạo. Đó là thứ không thể mua, không thể bình xét, không thể cứ ra quyết định hay chỉ thị mà được.
Thật ngây thơ khi tin rằng cứ có thật nhiều danh hiệu là sẽ có thương hiệu. Danh hiệu là cần thiết trên thị trường cạnh tranh; là cơ sở tạo dựng uy tín và là điều kiện cần thiết để gây dựng thương hiệu. Đó là danh hiệu thực sự. Còn doanh nghiệp đã yếu kém, dù có gắn thêm bao nhiêu danh hiệu chăng nữa, vẫn chỉ là thứ ảo mà thôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.