Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đánh giá toàn diện kết quả, rút ra bài học kinh nghiệm sau cuộc bầu cử

Tiến Thành - Vũ Thủy - Ảnh: Viết Thành| 15/07/2021 11:54

(HNMO) - Sáng 15-7, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến tổng kết công tác bầu cử tại điểm cầu trung ương.

Dự hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội) có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng dự.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự hội nghị.

Tham dự hội nghị còn có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; các đồng chí Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện các cơ quan, bộ, ngành trung ương.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố.

Dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cuộc bầu cử thành phố, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cuộc bầu cử thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và đại diện các sở, ban, ngành thành phố.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Đúc kết kinh nghiệm và bài học qua cuộc bầu cử

Sau phát biểu khai mạc hội nghị của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, cuộc bầu cử lần này có số lượng cử tri đi bầu lớn nhất từ trước đến nay, với 69.523.277 cử tri và tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu là 69.243.939 cử tri (đạt 99,60%).

Đặc biệt, cuộc bầu cử diễn ra trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ tư, với diễn biến rất phức tạp, nhưng đã được tổ chức an toàn; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm nhiều so với các kỳ bầu cử trước; không có các tình huống bất thường xảy ra, ngay cả tại một số địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tại hội nghị.

“Cuộc bầu cử đã phát huy được tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch trong từng bước triển khai, từ dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng cho đến hiệp thương, lấy ý kiến cử tri, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng, việc tổ chức vận động bầu cử cũng như việc bỏ phiếu, kiểm phiếu. Kết quả đã bầu được 499 đại biểu Quốc hội, cơ bản bầu đủ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, khẳng định công tác nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, dân chủ, đúng quy định của pháp luật”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số hạn chế. Trong đó, công tác rà soát danh sách cử tri, nắm số lượng cử tri thường trú và tạm trú trên địa bàn ở một số đơn vị hành chính cấp xã còn chậm và gặp khó khăn do số lượng cử tri tạm trú thường xuyên biến động. Việc xác định quyền bầu cử của cử tri cách ly y tế tập trung còn lúng túng. Ở một vài nơi, tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là phụ nữ, người dân tộc thiểu số chưa đạt so với quy định; vẫn có nơi bầu chưa đủ số lượng đại biểu HĐND cấp xã... 

Kiến nghị quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của cử tri đối với “lá phiếu”

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, các bộ, ngành, địa phương theo phạm vi, quyền hạn đã chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao; kịp thời triển khai và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc ban hành các văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo hướng dẫn về bầu cử; thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm tra, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn phát sinh; cuộc bầu cử diễn ra thực sự dân chủ, khách quan, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

“Chính phủ đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND về thời gian bỏ phiếu đối với khu vực đạt tỷ lệ 100% cử tri trong danh sách đã đi bỏ phiếu; khoảng thời gian để địa phương in ấn tài liệu, phiếu bầu và niêm yết danh sách người ứng cử; quy định về cử tri đi bỏ phiếu nơi khác; về danh sách người ứng cử trong lần bầu cử thêm...”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, sau cuộc bầu cử, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm, gồm: Cần phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; nhận thức rõ quyền, trách nhiệm quan trọng của Mặt trận trong cuộc bầu cử; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong triển khai thực hiện; chuẩn bị chu đáo, thận trọng, bảo đảm nhất quán sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về dự kiến cơ cấu thành phần, số lượng người ứng cử; sự chỉ đạo, lãnh đạo kịp thời, đồng bộ việc triển khai công tác bầu cử, đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện công tác bầu cử, giải quyết, tháo gỡ kịp thời những vấn đề liên quan...

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng kiến nghị Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của cử tri đối với “lá phiếu” để khắc phục hiện tượng bầu thay, bầu hộ…

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại hội nghị trực tuyến.

Cả hệ thống chính trị Hà Nội đã vào cuộc tích cực, chủ động

Tại hội nghị, lãnh đạo thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, các tỉnh Đồng Nai, Bắc Giang, Gia Lai, Hậu Giang… đã báo cáo về công tác bầu cử tại địa phương. Lãnh đạo các địa phương đều khẳng định, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, song với sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của cử tri và nhân dân, các địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định.

Trong đó, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, với tinh thần chủ động, bài bản, sáng tạo, hiệu quả, thành phố Hà Nội đã tập trung cao độ, vượt qua những khó khăn, thách thức để tổ chức thành công rất tốt đẹp về mọi mặt, bảo đảm đúng luật, an toàn tuyệt đối cuộc bầu cử.

Với tỷ lệ cử tri đi bầu cử trên địa bàn thành phố đạt 99,16%, thành phố không có khu vực bỏ phiếu tỷ lệ cử tri đi bầu dưới 50%, đây là kết quả nổi bật, đặc biệt diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thành phố đã bầu đủ 29 đại biểu Quốc hội, 95 đại biểu HĐND thành phố bảo đảm theo đúng cơ cấu, thành phần với tỷ lệ số phiếu bầu tập trung cao; bầu được 1.052 đại biểu HĐND huyện, quận, thị xã và bầu 10.593 đại biểu HĐND xã, thị trấn với chất lượng cao hơn nhiệm kỳ trước. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thực sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân.

Kinh nghiệm để thành phố Hà Nội thực hiện thành công cuộc bầu cử là Thành ủy, Ban Chỉ đạo cuộc bầu cử, Ủy ban Bầu cử thành phố đã quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản của trung ương với nhiều cách làm khoa học, bài bản, sáng tạo, linh hoạt, chủ động, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Công tác bầu cử đã được triển khai rất sớm từ thành phố đến cơ sở, bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.

Đặc biệt là sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, phải kể đến những đồng chí phụ trách công tác bầu cử ở các cơ quan, tiểu ban, các cán bộ cơ sở; lực lượng công an, quân đội, y tế thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, phòng, chống cháy, nổ, phòng, chống dịch đã góp phần bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo cuộc bầu cử, Ủy ban Bầu cử thành phố đã chủ động, báo cáo và phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, các bộ, ngành trung ương để giải quyết kịp thời, triệt để các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình bầu cử. Vì vậy, trong ngày bầu cử, trên địa bàn thành phố không có diễn biến phức tạp phát sinh, bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Sớm bắt tay vào triển khai thực hiện các nhiệm vụ

Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, từ những thành công to lớn và một số hạn chế của cuộc bầu cử, hội nghị cũng thống nhất cao với 5 bài học kinh nghiệm. Đó là phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, sự tin tưởng của nhân dân, ý thức trách nhiệm của công dân, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị vào công tác bầu cử là yếu tố quyết định, bảo đảm chắc chắn cho thành công của cuộc bầu cử.

“Cả hệ thống chính trị đã có quyết tâm chính trị cao cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng đối với công tác chuẩn bị bầu cử là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cuộc bầu cử. Song song với đó là sự quyết liệt, sâu sát, chủ động, sáng tạo trên cơ sở kế thừa bài học kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước đây trong quá trình tổ chức thực hiện; sự phân công, hợp tác tích cực, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác bầu cử tạo sự thống nhất, thông suốt từ trung ương đến cơ sở”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định.

Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền sâu, rộng, có trọng tâm, trọng điểm đến mọi người dân với nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, nội dung phong phú, kết hợp các phương tiện truyền thống với ứng dụng tối đa công nghệ thông tin hiện đại; bảo đảm thực hiện tốt quy trình công tác nhân sự; từ việc hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, lấy ý kiến cử tri về người ứng cử, vận động bầu cử để lựa chọn được những ứng cử viên xứng đáng, đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn quy định; chủ động nắm bắt tình hình, bám sát địa bàn cơ sở; chuẩn bị đầy đủ phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và y tế; phối hợp chặt chẽ các lực lượng quốc phòng, an ninh, dân phòng và sự ủng hộ của nhân dân để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử…

Khẳng định kết quả nêu trên mới chỉ là thành quả bước đầu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra đối với Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp là rất lớn, rất quan trọng, đòi hỏi phải sớm bắt tay vào triển khai thực hiện. Sau khi kết quả bầu cử được công bố, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành hướng dẫn về tổ chức kỳ họp thứ nhất HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tạo điều kiện để các địa phương nhanh chóng kiện toàn bộ máy và nhân sự chủ chốt của chính quyền địa phương với không khí phấn khởi, tin tưởng, các chức danh được bầu, phê chuẩn đều đạt tín nhiệm rất cao. 

“Tới đây, chúng ta cần tập trung vào tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV. Đây là kỳ họp hết sức quan trọng với nhiệm vụ trọng tâm là xem xét, quyết định tổ chức và nhân sự cấp cao của bộ máy Nhà nước trong nhiệm kỳ; xem xét, quyết định một số chương trình, kế hoạch lớn của nước ta cho 5 năm sắp tới, như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn và một số chương trình mục tiêu quốc gia của giai đoạn 2021-2025”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Bước vào nhiệm kỳ mới, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu mỗi đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp cần làm tốt vai trò trung tâm trong hoạt động của cơ quan dân cử, phát huy đầy đủ, tích cực trách nhiệm của mình theo Hiến pháp và pháp luật, phải luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết và quyết tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá toàn diện kết quả, rút ra bài học kinh nghiệm sau cuộc bầu cử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.