Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đánh giá những biến động phức tạp về thị trường lao động trước diễn biến dịch Covid-19

Theo Viết Tôn/Báo Tin tức| 20/04/2020 20:29

Chiều 20-4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, phiên họp lần thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Cho ý kiến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Thường trực Ủy ban đánh giá cao nỗ lực chuẩn bị của Ban soạn thảo. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, khó lường, nhưng trong thời gian ngắn, Ban soạn thảo đã cố gắng tiếp thu, giải trình một số ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về dự án Luật. Về cơ bản, hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ thành phần theo quy định tại khoản 2, Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật sửa đổi cơ bản giữ nguyên phạm vi, đối tượng điều chỉnh như Luật hiện hành.  

Về phạm vi điều chỉnh, với những sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật lập pháp và nội dung dẫn đến phạm vi điều chỉnh thực chất đã mở rộng hơn so với Luật hiện hành, đó là: Sửa đổi quy định hiện hành từ “quy định về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…” thành “quy định về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…”. Quy định trách nhiệm “bảo hộ, bảo vệ và hỗ trợ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”, “hợp tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”, “quyền và nghĩa vụ của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước.  

Đồng thời, quy định phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 dự thảo Luật chưa bao quát được các nội dung “chính sách đối với người lao động sau khi về nước”, “Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước” và chưa xác định rõ phạm vi điều chỉnh đối với nhóm người lao động được tự do di chuyển trong cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Do đó, Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo làm rõ về các thay đổi, bổ sung và tác động của thay đổi này đối với quan điểm xây dựng dự án Luật, cũng như nghiên cứu, bổ sung phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật cho phù hợp.

Về đối tượng áp dụng, với các quy định cụ thể, dự án Luật đã bổ sung đối tượng áp dụng bao gồm: Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc UBND, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế (Điều 5) và cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đồng thời, dự án Luật đã bổ sung các hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua các chủ thể này, nhưng chưa có đánh giá tác động, lý giải phù hợp về việc bổ sung và tính khả thi của quy định.  

Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo làm rõ việc quy định bổ sung đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài liệu có đi ngược lại với chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực dịch vụ công và thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tinh giảm các đơn vị sự nghiệp không? Liệu hoạt động của tổ chức này có tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh đối với doanh nghiệp và có bảo đảm người lao động sẽ không mất chi phí nào khi tham gia chương trình do đơn vị sự nghiệp công thực hiện? Đồng thời, cung cấp thêm thông tin về các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện nay chúng ta đang thực hiện; việc tổng kết, sơ kết, đánh giá hiệu quả thực hiện các điều ước, thỏa thuận này.

Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ tọa phiên họp. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Nhà nước luôn đánh giá cao sự đóng góp của người lao động đi lao động ở nước ngoài, không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, mà còn mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rõ trách nhiệm của người lao động khi đã hết thời hạn lao động mà trốn ở lại nước sở tại; cá biệt có những người đã làm những việc trái pháp luật ở nước sở tại, bị tạm giữ sau đó trục xuất về nước... Những trường hợp này phải chịu hình phạt nặng, không thể cứ về nước là xong.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần phân tách rõ việc đưa người đi lao động ra nước ngoài trái phép và việc đưa người lao động đi lao động ở ngoài nước có giấy phép. “Không nên dùng từ xuất khẩu lao động mà phải là đưa người lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng”, Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội cũng phân tích, đã có hiện tượng lao động đi làm việc ở nước ngoài hết thời hạn lao động, nhưng trốn ở lại, về việc này cần làm rõ trong dự thảo Luật. Việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, mang lại nguồn thu cho gia đình. Nhưng đã có trường hợp rất thương tâm, đó là những công ty thiếu trách nhiệm khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, thu phí xong nhưng lại không quan tâm đến người đi lao động. 

“Về quan điểm chỉ đạo, cần đặc biệt quan tâm đến ngành nghề, dịch vụ lao động mà người lao động đi lao động ở nước ngoài làm việc. Những việc giản đơn, thì ở nước ngoài đã sử dụng Robot thay thế. Vậy những ngành nghề lao động giản đơn, chúng ta cần có dịch chuyển đơn sang lao động có tay nghề cao hơn, có năng suất lao động, có giá trị kinh tế cao”, Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.  

Tại phiên họp, Thường vụ Quốc hội cũng nêu ý kiến cần quan tâm quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, sau khi về nước quay trở lại nơi làm việc cũ thì chính sách bảo vệ quyền lợi, bảo hiểm xã hội như thế nào… Bên cạnh việc cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa đối với các doanh nghiệp đưa người lao động đi nước ngoài làm việc cần có quy chế rõ ràng, tránh tình trạng bỏ rơi lao động ở nước ngoài… Những hành vi nghiêm cấm, Điều 7 trong dự thảo Luật phải căn cứ vào Hiến pháp về quyền con người.  

Có ý kiến cho rằng về đơn vị công lập ở địa phương đưa người đi làm việc ở nước ngoài, vậy đơn vị công lập là đơn vị nào? Đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật cần làm rõ. Về quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Chương VI), Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước có bổ sung một số quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, hướng dẫn chuyên môn đối với hoạt động của bộ phận quản lý lao động trực thuộc cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, hướng dẫn các điều kiện cơ bản đối với các thị trường, ngành nghề, địa bàn đối với doanh nghiệp dịch vụ là phù hợp.

Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét, đánh giá, tổng kết việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và quan tâm việc tích hợp kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.

Bên cạnh đó, với việc bổ sung quy định UBND các cấp có trách nhiệm “quản lý người lao động qua đường biên theo sự phân cấp của Chính phủ”, đề nghị Ban soạn thảo quan tâm và giải trình làm rõ nguyên tắc, nội dung phân cấp và cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, hướng dẫn thực hiện quy định này.   

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN.

Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 7), Thường trực Ủy ban VCVĐXH đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát một số hành vi có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động, nhất là các quy định nghĩa vụ mới để bổ sung, hoàn thiện quy định về hành vi bị nghiêm cấm; rà soát thêm các điều ước quốc tế có liên quan và xác định nội hàm của một số hành vi bị nghiêm cấm. Đồng thời, làm rõ quy định tại Khoản 10 về hành vi tự ý phá bỏ hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam hay pháp luật của nước sở tại và tính tương thích với Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động.

Quy định nội dung hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 9) của dự thảo Luật, về bản chất được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa Điều 4 của Luật hiện hành. Tuy nhiên, do phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đã thay đổi như đã nêu ở điểm 1, mục II của báo cáo này, do đó nội dung quy định tại Điều 9 của dự thảo Luật vừa rộng, vừa thiếu và do các chủ thể khác nhau thực hiện (bao gồm Nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp dịch vụ).

Quy định theo hướng này sẽ dẫn đến việc rất khó để phân định, giới hạn phạm vi nội dung hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ, của đơn vị chi nhánh, đơn vị phụ thuộc và chưa bảo đảm tính logic với các quy định có liên quan khác.

Các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo rà soát để bảo đảm tính thống nhất, rõ ràng, phù hợp của quy định đối với các chủ thể khác nhau. Về Hợp đồng cung ứng lao động (các điều 22, 30 và 31), thực tế trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp “rất băn khoăn” về quy định đăng ký hợp đồng cung ứng lao động. Quy định này được duy trì từ Nghị định số 07/CP năm 1995 đến nay. Mỗi hợp đồng (dù là cùng một đối tác tiếp nhận lao động) nhưng trước mỗi đợt đưa lao động đi, doanh nghiệp dịch vụ đều phải đăng ký hợp đồng với Cục Quản lý lao động ngoài nước khiến cho việc thực hiện hợp đồng với đối tác nước ngoài gặp khó khăn (kéo dài thời gian).

Mặt khác, việc thẩm định hợp đồng của doanh nghiệp hiện nay vẫn chỉ mang tính hình thức, không có quy chế về thẩm định hợp đồng, không có bộ máy chuyên trách thực hiện. Trong khi đó, các doanh nghiệp đều phải tuân thủ chế độ báo cáo và cố gắng để tìm kiếm hợp đồng tốt cho người lao động nhằm giảm thiểu rủi ro, tăng hiệu quả kinh doanh.  

Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, việc duy trì quy định này là rào cản về thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp và đã đến lúc cần phải chuyển sang chế độ báo cáo để doanh nghiệp chủ động thực hiện, khi ký hợp đồng với mỗi đối tác khác nhau thì chỉ thực hiện việc đăng ký lần đầu (nếu vẫn duy trì quy định về thẩm định) và không nhất thiết yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký để thẩm định với nhiều hợp đồng đơn lẻ, gây tốn kém và dễ phát sinh tiêu cực trong quản lý, tạo cơ chế xin không cần thiết.  

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày tờ trình và tiếp thu ý kiến. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đã tiếp thu những ý kiến phát biểu của UBTVQH. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, mỗi năm, Việt Nam phấn đấu duy trì có 500.000 lao động Việt Nam đi làm việc lao động ở nước ngoài. So với một số quốc gia trên thế giới thì Việt Nam là nhóm các nước đưa lao động đi lao động ở nước ngoài có kết quả tốt.

Bộ LĐ-TB&XH đã chú trọng đảm bảo chăm lo cho người lao động, chú ý đến quyền lợi của người lao động và các công ty đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. “Hai năm nay, số doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng tới 300%”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay.

Theo người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH, những địa bàn, thị trường có sử dụng người lao động Việt Nam tăng lên đáng kể như Nhật Bản, Đức và các nước Đông Âu... Điều kiện lao động của người lao động Việt Nam cũng rất tốt.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, tới đây, cần chuyển hướng mạnh vào khâu gắn kết giữa người lao động với doanh nghiệp, sau khi lao động hết thời gian làm việc ở nước ngoài quay về nước sẽ có việc làm ngay, không bị thất nghiệp.  

Bộ LĐ-TB&XH cũng đã công khai các loại phí dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng vẫn còn tình trạng “Công ty ma, hoạt động trá hình” lừa gạt đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, có hiện tượng lạm thu nên các cơ quan bảo vệ pháp luật cần vào cuộc để xử lý nghiêm…

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng: Hồ sơ của dự án Luật đủ điều kiện trình ra Quốc hội cho ý kiến thảo luận tại kỳ họp tới. Nhiều nội dung phong phú và thuyết phục.

Đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của UBTVQH. Cần làm rõ thể chế đưa người Việt Nam đi lao động, học tập và làm việc ở nước ngoài, quan điểm của Đảng, danh dự của người Việt Nam, đề cao trách nhiệm, chất lượng việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.  

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu kết luận phiên thảo luận. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, cần phân tích kỹ việc chọn những ngành nghề có giá trị gia tăng cao, phù hợp với điều kiện sức khỏe, phải hiểu tập quán của nước sở tại, có chế tài chặt chẽ để doanh nghiệp hợp pháp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

“Tuy nhiên thời điểm này, bộ Luật này cần có đánh giá kỹ lưỡng trong thời điểm thế giới có nhiều biến động khó lường phức tạp, có nhiều diễn biến khó đoán định sau dịch Covid-19. Cần có đánh giá, cập nhật, dự báo về quyền lợi của lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, cơ quan chủ trì và soạn thảo lấy ý kiến của doanh nghiệp, đại diện người lao động đang làm việc ở nước ngoài, kể cả ý kiến của địa phương. Việc rà soát lại việc sửa đổi Luật này có tác động gì đến các Luật có liên quan; sự tương thích giữa Luật này với Công ước quốc tế; tính toán kỹ về chứng chỉ tay nghề ở các nước ASEAN công nhận bằng cấp, chứng chỉ của nhau; chính sách cho người lao động Việt Nam và các nhóm nước có thu thập khác nhau thì cơ chế điều tiết các mối quan hệ này như thế nào... Tất cả những vấn đề này, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần xem xét kỹ.  

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá những biến động phức tạp về thị trường lao động trước diễn biến dịch Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.