LTS: Những năm gần đây, Thủ đô Hà Nội mỗi năm tiễn khoảng 3.500 thanh niên lên đường nhập ngũ, đồng thời tiếp nhận hàng nghìn quân nhân xuất ngũ. Được giáo dục, rèn luyện trong môi trường quân đội, nhiều chiến sĩ đã nỗ lực vươn lên và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Những đảng viên bộ đội xuất ngũ trở về quê hương là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng lực lượng vũ trang địa phương và hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Tuy nhiên, để phát huy tốt vai trò của lực lượng này, cần phải có những giải pháp hiệu quả…
Bài đầu: Bản lĩnh người đảng viên - chiến sĩ
Được rèn luyện trong môi trường có tính kỷ luật cao nên khi về với cuộc sống thường nhật, đảng viên là quân nhân xuất ngũ thường có trách nhiệm cao và tác phong làm việc nhanh nhẹn. Thêm nữa, được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương nên nhiều người tiếp tục khẳng định được bản lĩnh người đảng viên - chiến sĩ, phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, tích cực đóng góp, tham gia công tác trong hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Khẳng định bản lĩnh trong môi trường mới
Vùng quê nghèo, xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì) đang chuyển mình cùng Thủ đô, với nhiều thành tích nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và đã cán đích trong xây dựng nông thôn mới vào năm 2014…
Đóng góp vào kết quả chung đó có vai trò của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Trần Văn Tiến, một đảng viên bộ đội xuất ngũ. Anh Tiến cho biết, được kết nạp Đảng trong quân đội năm 2000, về địa phương, lãnh đạo xã bố trí anh làm tại Ban Chỉ huy quân sự xã và cử đi học lớp đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn khóa 7, Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Hoàn thành khóa học, anh đã vận dụng linh hoạt những kiến thức được học và kinh nghiệm quân ngũ vào công tác.
Nhờ đó, nhiều năm qua, Ban Chỉ huy quân sự xã Liên Ninh luôn nằm trong danh sách các đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua quyết thắng của lực lượng vũ trang huyện Thanh Trì. Lực lượng dân quân xã có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh trật tự.
Cũng là một đảng viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh Nguyễn Hữu Tuấn (sinh năm 1980, ở thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) khẳng định: “Tuy thời gian trong quân ngũ không nhiều, nhưng đây chính là trường học lớn giúp tôi rèn luyện để trưởng thành. Ngoài kinh nghiệm sống, tôi đã học được từ đồng chí, đồng đội tác phong công tác và cách xử lý công việc hiệu quả, hợp lý”.
Trải qua các vị trí, như cán bộ chi đoàn, Bí thư Đoàn xã, rồi Phó Bí thư Huyện đoàn và hiện tại là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quốc Oai, anh Tuấn luôn giữ vững bản lĩnh chính trị và có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác chuyên môn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Xuất ngũ về địa phương, được giao nhiệm vụ Thôn đội trưởng và hiện nay là Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn, đảng viên Cấn Văn Học (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) có nhiều đóng góp trong thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cơ sở. Nhiều năm liền anh được UBND xã Cấn Hữu tặng giấy khen. Không chỉ tích cực tham gia công tác xã hội, anh Học còn phát triển kinh tế hiệu quả khi cùng gia đình xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGap với quy mô rộng hơn 2.000m2, nuôi hơn 20.000 con gà, cho thu nhập từ 500 đến 700 triệu đồng/năm.
“Dám xông pha, không ngại gian khó là những đức tính tôi học được từ môi trường quân ngũ. Nhờ đó, tôi mới có thành công như hôm nay”, anh Học chia sẻ.
Trung tá Nguyễn Văn Vượng, Chính ủy Trung đoàn Bộ binh 692, Sư đoàn Bộ binh 301 (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) nhận định: “Trong đơn vị bộ đội, để được đứng vào hàng ngũ của Đảng, các quần chúng ưu tú được lựa chọn rất kỹ từ các cấp ủy, chi bộ và đều là những cá nhân tiêu biểu, luôn phấn đấu không ngừng. Qua theo dõi, nhiều năm qua, đội ngũ đảng viên trẻ từ các đơn vị quân đội xuất ngũ về địa phương đều giữ vững bản lĩnh chính trị, nhiều đồng chí còn phát huy kiến thức tích lũy được để xây dựng lực lượng vũ trang địa phương”.
Cánh tay đắc lực của hệ thống chính trị cơ sở
Thực hiện quy trình tiếp nhận đảng viên xuất ngũ về địa phương, 100% đảng viên xuất ngũ của thành phố Hà Nội được gia nhập đơn vị dự bị động viên. Cùng với đó, công tác sắp xếp, giới thiệu sinh hoạt Đảng cho đảng viên là quân nhân xuất ngũ được các địa phương thực hiện nghiêm túc.
Là địa phương dành nhiều sự quan tâm đến đảng viên bộ đội xuất ngũ, trong vòng 5 năm trở lại đây, xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) đã bố trí 3 đảng viên vào làm việc trong hệ thống chính trị của xã. Trong đó có người đã phát triển, hiện được giao đảm nhận vị trí trưởng công an xã, chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã.
Bí thư Đảng ủy xã Sài Sơn Nguyễn Đình Thụy khẳng định: “Chúng tôi đánh giá cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, tác phong làm việc, lối sống của các đảng viên được kết nạp Đảng trong quân ngũ. Vì vậy, Đảng ủy xã luôn chỉ đạo các chi bộ thôn tạo điều kiện thuận lợi để các đồng chí từng bước làm quen với mô hình sinh hoạt chi bộ nông thôn cũng như tham gia phát triển kinh tế gia đình. Quá trình công tác, địa phương luôn sẵn sàng tạo điều kiện để đảng viên bộ đội xuất ngũ nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng chuyên môn”.
Thiếu tá Kiều Bá Dũng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự huyện Mê Linh cho biết, bộ đội xuất ngũ về địa phương đều được đăng ký vào ngạch dự bị động viên và tham gia huấn luyện hằng năm. Trong Tiểu đoàn Bộ đội địa phương huyện Mê Linh hiện có 19 đảng viên thì 15 đồng chí được kết nạp Đảng trong quân đội và họ đều phát huy tính tiền phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ.
Còn tại huyện Chương Mỹ, trong số quân nhân xuất ngũ năm 2017 có 11 người đã được kết nạp Đảng trong quân đội. Hiện nay, họ vẫn đang tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, sinh hoạt Đảng đầy đủ; đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới.
Theo Đại tá Lê Đức Hậu, Trưởng phòng Tổ chức (Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội), kết quả khảo sát của Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho thấy, trong 3 năm qua (từ năm 2016 đến 2018), thành phố tiếp nhận 9.434 quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự xuất ngũ, trong đó có 872 đảng viên là hạ sĩ quan, binh sĩ. Trong số đó có 776 đảng viên tiếp tục phát huy tốt tính tiền phong, gương mẫu trong các nhiệm vụ, đạt 88,99%; 85 đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, đạt 9,76%...
Thực tế cho thấy, nhiều đảng viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương được bố trí việc làm trong hệ thống chính trị ở cơ sở đã góp phần tăng nguồn cán bộ trẻ, tỷ lệ lãnh đạo trẻ, tăng sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, xây dựng hệ thống chính trị địa phương ngày càng vững mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những bất cập, khó khăn đặt ra trong việc sử dụng và phát huy hơn nữa vai trò của những đảng viên bộ đội xuất ngũ này.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.