Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đang kiểm định toàn bộ cầu Chương Dương để lập dự án sửa chữa tổng thể

Tuấn Lương| 21/12/2021 12:11

(HNMO) - “Các đơn vị chức năng thành phố Hà Nội đang kiểm định, đánh giá lại khả năng chịu tải của cầu Chương Dương. Từ kết quả kiểm định và các kiến nghị của đơn vị tư vấn kiểm định, Sở Giao thông Vận tải sẽ báo cáo UBND thành phố Hà Nội để lập dự án sửa chữa tổng thể”, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết.

Cầu Chương Dương được hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 1985.

Cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng, nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên, được hoàn thành vào năm 1985. Sau hơn 35 năm khai thác, nhiều hạng mục cầu đã bị hư hỏng, xuống cấp.

Đi dọc theo cầu, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy những hư hại, từ bề mặt cầu bong tróc đến thành cầu, lan can hoen gỉ. 

Lớp bê tông nhựa phần mặt cầu chính đã bị nứt vỡ, tập trung chủ yếu ở các vị trí trên dầm ngang cầu và khe nối của các bản bê tông lắp ghép, gây thấm nước. Cùng với đó, phần kết cấu thép của cầu đã có dấu hiệu xuống cấp.

Cầu đang phải gánh lưu lượng phương tiện gấp hơn 8 lần so với thiết kế.

Là người hằng ngày lưu thông qua cầu Chương Dương, anh Nguyễn Xuân Đức, ngõ 48, phố Ngọc Thụy (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) không khỏi lo lắng trước tình trạng xuống cấp của công trình. 

“Ngay trên mặt cầu, một số khe co giãn xuất hiện tình trạng bề mặt mấp mô, lượn sóng, chỗ cao chỗ thấp. Có khe co giãn còn bị nứt với độ rộng 5 - 6cm. Người đi xe máy nếu không chú ý quan sát, chỉ sơ ý một chút sẽ dễ bị ngã. Dù đã nhiều lần được duy tu, cải tạo nhưng cũng chỉ được một thời gian rồi cầu lại xuống cấp. Chúng tôi rất mong thành phố sớm có dự án cải tạo tổng thể nhằm bảo đảm an toàn”, anh Đức nói.

Không chỉ xuống cấp, nhiều năm nay, cầu Chương Dương thường xuyên lâm vào cảnh ùn tắc giao thông. Đặc biệt, trong khung giờ cao điểm, hàng nghìn phương tiện ì ạch di chuyển từ phía đường Nguyễn Văn Cừ lên cầu.

Nhiều vị trí trên mặt cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, gây mất an toàn giao thông.

Bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công trình giao thông Hà Nội (đơn vị quản lý duy tu cầu Chương Dương) cho biết, theo thống kê, mỗi ngày có tới hơn 95.000 lượt xe qua cầu, gấp hơn 8 lần so với thiết kế. Cầu được xây dựng đã lâu, cùng với lưu lượng phương tiện quá tải nhiều lần so với thiết kế đã khiến nhiều hạng mục cầu bị hư hỏng, xuống cấp...

Hiện nay, phần cầu chính có 11 khe co giãn, đã sửa chữa được 8 khe, còn lại 3 khe hư hỏng tại trụ T4, T7 và T8A. Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, công ty đã sơn 1.200m2 kết cấu thép, thảm 1.100m2 mặt cầu bằng bê tông Polynesia, vá 150m2 ổ gà, sơn kẻ 650m2 bê tông, sửa chữa 6m khe cao su.

Đề cập tới vấn đề xuống cấp của cây cầu này, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Ngô Mạnh Tuấn thừa nhận, cầu Chương Dương hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 6-1985, là cây cầu chịu tải trọng lớn trong thời gian dài trước khi có các cầu Vĩnh Tuy và Thanh Trì. 

Đây là cây cầu đầu tiên do các kỹ sư Việt Nam tự thiết kế và thi công trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về nhân lực, vật lực để làm công trình cầu lớn.

Thực tế, cầu Chương Dương đã đáp ứng được nhiệm vụ phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và kết nối nội thành Hà Nội với các quận, huyện phía Bắc sông Hồng và với các tỉnh, như Hải Phòng, Quảng Ninh..., góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng Thủ đô.

Lập dự án cải tạo tổng thể cầu Chương Dương đang là mong mỏi của người dân Thủ đô.

Để bảo đảm an toàn giao thông và tuổi thọ công trình, thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã chỉ đạo đơn vị quản lý cầu duy tu, bảo trì thường xuyên như: Kiểm tra kỹ thuật; vá ổ gà nhằm bảo đảm êm thuận mặt đường; vệ sinh bôi mỡ gối cầu, thông lỗ thoát nước, đánh gỉ sơn lại các nút giàn thép, sơn lan can gờ chắn bánh, thay các bu lông bị han gỉ, đứt gãy và nhiều hạng mục sửa chữa có quy mô nhỏ lẻ khác…

“Dù là khắc phục nhằm bảo đảm an toàn nhưng mới ở quy mô nhỏ lẻ, không xử lý triệt để được tình trạng hư hỏng”, ông Ngô Mạnh Tuấn thừa nhận.

Để đánh giá lại khả năng chịu tải của cây cầu và các bộ phận kết cấu, vừa qua, Sở Giao thông Vận tải đã báo cáo UBND thành phố Hà Nội và được chấp thuận tiến hành dự án kiểm định cầu. Hiện nay, việc chuẩn bị đầu tư theo quy định đã hoàn thành và các đơn vị chức năng đang kiểm định công trình, dự kiến đến hết tháng 12-2021 sẽ hoàn thành. 

Từ kết quả kiểm định và các kiến nghị của đơn vị tư vấn kiểm định, Sở Giao thông Vận tải sẽ báo cáo UBND thành phố để lập dự án sửa chữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đang kiểm định toàn bộ cầu Chương Dương để lập dự án sửa chữa tổng thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.