Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dân khổ vì “vênh” chính sách

Phong Thu| 17/07/2012 06:59

(HNM) - Thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực tư pháp chiếm chủ yếu khối lượng công việc của bộ phận


Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại UBND phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy). Ảnh: Hiền Chi


Cơ chế "một cửa, một cửa liên thông" trong giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân tại các cơ quan quản lý hành chính áp dụng theo Quyết định 93/2007/QĐ-TTg của Chính phủ sau 5 năm thực hiện đã thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã cho thấy không ít bất cập nảy sinh do các quy định chưa phù hợp, mà cán bộ và người dân "kêu" hoài vẫn chưa có chuyển biến. Như thủ tục đăng ký kết hôn, khai sinh có quy định ký sổ hộ tịch, trong khi đó, sổ này phải được bộ phận tư pháp lưu trữ, bảo quản để sử dụng lâu dài. Nếu thực hiện theo cơ chế "một cửa" thì việc ký sổ sẽ theo hai hướng: Hướng thứ nhất là sổ hộ tịch để ở bộ phận "một cửa" để công dân nhận kết quả và ký sổ hộ tịch tại đó, nhưng như vậy không đúng quy định về lưu trữ sổ, đồng thời kéo theo bất cập trong việc ghi sổ, tra cứu, giải quyết việc cấp các giấy tờ liên quan đến hộ tịch. Hướng thứ hai là để sổ hộ tịch tại bộ phận tư pháp, công dân sẽ phải nhận kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận "một cửa" rồi quay lại nơi lưu trữ để thực hiện việc ký sổ, song như vậy lại không còn là "một cửa" nữa.

Tương tự thủ tục chứng thực chữ ký, chữ ký người dịch cũng gặp "khó" khi áp dụng cơ chế "một cửa". Theo quy định của NĐ 79/2007/NĐ-CP, "người yêu cầu chứng thực phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực", nên khi áp dụng cơ chế "một cửa" sẽ không đáp ứng đúng quy định của nghị định trên (vì không có cán bộ thực hiện chứng thực ở bộ phận "một cửa"), còn thực hiện đúng quy định (của NĐ 79/2007/NĐ-CP) thì người dân sẽ phải qua "hai cửa": nộp hồ sơ và nhận ở "một cửa" rồi đến bộ phận tư pháp để chứng thực. Với công tác chứng thực, quy định phải giải quyết hồ sơ ngay sau khi tiếp nhận. Song, trên thực tế bộ phận "một cửa" tiếp nhận xong còn phải chuyển giao cho phòng chuyên môn thực hiện nên khó bảo đảm thời gian giải quyết như quy định. Nếu giải quyết ngay thì sau khi tiếp nhận, cán bộ sẽ liên tục phải đi lại chuyển hồ sơ từ bộ phận "một cửa" sang phòng chuyên môn. Như vậy sẽ dẫn đến sự ùn tắc ở "một cửa" do công dân phải chờ cán bộ đi chuyển giao hồ sơ.
Từ thực tế này, đã có những đề xuất cử cán bộ tư pháp ra bộ phận "một cửa" để thuận tiện giải quyết các công việc liên quan đến mảng tư pháp. Tuy nhiên, do Quyết định 84/2009/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội quy định bộ phận "một cửa" sử dụng cán bộ công chức ở chức danh văn phòng - thống kê làm chuyên trách, nên nếu bố trí cán bộ tư pháp ra đó ngồi cũng không đúng quy định. Bên cạnh đó, đối với các thủ tục cấp lại bản chính giấy khai sinh, cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch quy định thời gian giải quyết là ngay sau khi tiếp nhận một ngày, nhưng như hiện nay cũng không hợp lý vì giải quyết thủ tục này cần thời gian xác minh. Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Xuân Phương cho rằng: "Cải cách TTHC nói riêng và CCHC nói chung là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, việc cải cách phải phù hợp thực tế. Đã đến lúc phải luật hóa việc cán bộ tiếp nhận hồ sơ được phép ký bản sao để thống nhất về quy trình, cách làm, tạo thuận lợi cho tổ chức và công dân khi giao dịch hành chính".

Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 đã nêu rõ: "Tiếp tục đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện thống nhất và nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 80% vào năm 2020". Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này thì một trong những yếu tố cần thiết là các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, đưa ra quy định thống nhất phù hợp để cán bộ và công dân dễ dàng áp dụng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dân khổ vì “vênh” chính sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.