Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm

Đan Nhiễm| 28/11/2019 06:33

(HNM) - Sau 28 ngày làm việc sôi nổi, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm, kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV đã bế mạc chiều qua (27-11) và hoàn thành toàn bộ nội dung đề ra.

Tại kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 11 luật, bộ luật, 17 nghị quyết với sự đồng thuận cao và cho ý kiến 10 dự án luật khác. Trong số này, có một số luật có phạm vi điều chỉnh rộng, ảnh hưởng lớn đến hệ thống chính trị và đời sống dân sinh như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức…

Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; trong đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%... Đây là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa mục tiêu, đưa ra giải pháp để thực hiện trong năm 2020.

Có thể thấy rằng, những quyết sách tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong năm 2020 và những năm tới. Trong đó, năm 2020 là năm cuối, có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 5 năm 2016-2020. Do đó, trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện về những kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại, Quốc hội đã đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp có căn cứ, cơ sở khoa học, phù hợp với tình hình thế giới và trong nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tiếp tục chăm lo cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân; kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nước; góp phần tích cực xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực; nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Với riêng thành phố Hà Nội, kỳ họp thứ tám mang dấu ấn đặc biệt khi Quốc hội thông qua "Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” từ dự thảo ban đầu “Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội”. Văn bản là bước cụ thể hóa Kết luận số 46-KL/TƯ ngày 19-4-2019 của Bộ Chính trị về “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”, đồng thời là bước đi táo bạo để thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy tại 177 phường thuộc các quận và thị xã Sơn Tây. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 sẽ tạo sự chủ động cho chính quyền Thủ đô Hà Nội trong việc chuẩn bị nhân sự và tổ chức đại hội đảng bộ cấp phường nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới bầu cử HĐND các cấp và kiện toàn UBND phường nhiệm kỳ 2021-2026…

Việc triển khai "Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Để hoàn thành các yêu cầu đề ra, thời gian tới HĐND, UBND thành phố Hà Nội sẽ sớm ban hành các quy định để tổ chức thực hiện. Đặc biệt là tập trung phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở quận, thị xã, phường phù hợp với tổ chức quản lý đô thị và khả năng thực tiễn của từng địa phương; sắp xếp các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức phường theo quy định của cơ quan có thẩm quyền… Quốc hội đã thể hiện ý chí bằng việc thông qua Nghị quyết với tỷ lệ đồng thuận cao. Giờ là lúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô hiện thực hóa ý chí đó bằng sự đồng lòng và quyết tâm lớn.

Những quyết sách đổi mới tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV được cử tri và nhân dân cả nước ghi nhận, đánh giá cao. Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đang cho thấy tinh thần công khai, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm khi bàn và quyết định các vấn đề quốc kế dân sinh. Cử tri kỳ vọng tinh thần ấy sẽ tiếp tục được nhân lên trong các kỳ họp tới, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân cả nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.