Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dân chủ thực sự

Đỗ Quỳnh Chi| 16/11/2021 06:06

(HNM) - Thời gian qua, công tác dân vận chính quyền đã được thành phố Hà Nội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt một số kết quả tích cực. Qua đó, nhận thức, trách nhiệm về thực hiện công tác dân vận của chính quyền các cấp ngày càng được nâng lên; tạo được sự thống nhất, đồng thuận và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở Thủ đô.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp thuộc thành phố Hà Nội vẫn còn một số hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Công tác nắm tình hình tư tưởng dư luận nhân dân, tiếp dân, đối thoại giữa người đứng đầu cơ quan nhà nước với nhân dân chưa được quan tâm đúng mức. Một số nơi còn chưa coi trọng việc lấy ý kiến nhân dân nên các chính sách chưa đáp ứng kịp thời nguyện vọng, lợi ích của nhân dân...

Công tác dân vận chính quyền có vai trò đặc biệt quan trọng. Làm tốt công tác này sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cơ quan nhà nước, củng cố và khơi dậy sức mạnh của toàn xã hội để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Do đó, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 1-10-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước. Trong đó, cần hướng vào giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực hằng ngày của nhân dân như: Hỗ trợ vốn và vật tư sản xuất, kinh doanh; bồi thường giải phóng mặt bằng; vệ sinh môi trường; nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế và giáo dục...

Mặt khác, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; vận động nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện công tác dân vận của các cơ quan nhà nước; tổ chức đối thoại giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân…

Trong giải quyết công việc của người dân, cán bộ, công chức phải thực hiện theo hai chuẩn mực: Đúng pháp luật và có lợi cho dân. Việc tiếp nhận và giải quyết công việc của dân phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật, theo hướng nhanh nhất, thuận tiện nhất và không gây phiền hà. Cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền mới được tiếp nhận và giải quyết công việc của dân; không được đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm.

Cán bộ, công chức, viên chức cũng cần đổi mới tác phong, lề lối làm việc, chủ động rà soát, đề xuất bãi bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, gây phiền hà cho nhân dân; tạo điều kiện để nhân dân tham gia hoạt động kiểm tra, giám sát; kịp thời giải quyết những yêu cầu chính đáng của nhân dân... Người dân, doanh nghiệp cũng cần tham gia tích cực vào việc giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền; không tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực…

Cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp cần thực hiện công khai, dân chủ trong quản lý, điều hành; tiếp tục cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”... Làm được như vậy sẽ thực sự phát huy dân chủ ở cơ sở, từ đó huy động hiệu quả sự tham gia của các tầng lớp nhân dân vào quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dân chủ thực sự

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.