LTS : Giữa bối cảnh ô nhiễm nhựa ngày càng trầm trọng, nhiều thành phố trên thế giới đã mạnh tay cấm hoặc hạn chế sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, tại Hà Nội nói riêng, nước ta nói chung, câu chuyện này vẫn còn là một thách thức lớn.
Để giải quyết vấn nạn rác thải nhựa, tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông. Liệu đây có phải là giải pháp mang tính đột phá để bảo vệ môi trường? Báo Hànộimới xin giới thiệu loạt bài “Đề xuất áp thuế với sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông: Giải pháp cấp thiết để bảo vệ môi trường” phản ánh về vấn đề này.
Tại các chợ truyền thống hay siêu thị, hình ảnh túi ni lông len lỏi trong từng quầy hàng, gói ghém đủ mọi loại thực phẩm, hàng hóa đã trở nên quen thuộc. Người bán hàng dùng loại túi này để đựng đủ thứ, từ rau, cá, thịt…, còn người mua thì dễ dàng treo lên xe hoặc xách mang về nhà. Thói quen này được ví như "sát thủ" đang âm thầm để lại những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe con người.
Tiện nhưng không lợi
Dạo một vòng qua các khu chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, phóng viên Báo Hànộimới dễ dàng quan sát thấy những chiếc túi ni lông hiện diện trong mọi hoạt động mua, bán của người dân. Tất bật mua thức ăn tối cho gia đình tại chợ Vân Trì (xã Vân Nội, huyện Đông Anh), trên giỏ xe của chị Nguyễn Thúy Hạnh treo lủng lẳng 6-7 chiếc túi ni lông đựng thức ăn chín, rau sống, hoa quả… “Ngày trước, tôi thường xách làn đi chợ nhưng bây giờ người bán hàng nào cũng chuẩn bị đầy đủ các loại túi ni lông để đựng nên tôi chỉ việc đi tay không”, chị Hạnh cho biết.
Cũng giống chị Hạnh, trung bình mỗi lần đi chợ, bà Trương Thị Mai (xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn) mang về nhà khoảng 8-10 chiếc túi ni lông. “Dù biết túi ni lông gây ô nhiễm môi trường nhưng vì tính năng thuận tiện, mỗi loại thực phẩm được đựng riêng biệt, hạn chế để lẫn lộn vào nhau lại dễ dàng treo trên xe máy, khi về đến nhà lấy đồ ăn ra là vứt hết túi vào sọt rác nên tôi vẫn sử dụng túi ni lông mỗi ngày”, bà Mai chia sẻ.
Trước nhu cầu sử dụng túi ni lông của khách hàng, tất cả người bán hàng đều chuẩn bị đa dạng các loại túi nhằm đáp ứng yêu cầu của khách và phù hợp với từng mặt hàng. Chị Trần Thu Hằng, tiểu thương bán thịt bò tại chợ Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Cái cân, con dao và túi ni lông là những vật bất li thân của người làm nghề buôn bán thực phẩm như tôi. Trung bình mỗi buổi chợ, tôi dùng hết khoảng 3kg túi ni lông”. Còn tại chợ Ngọc Lâm (quận Long Biên), chỉ trong vòng chưa đầy nửa giờ đồng hồ, chị Thanh, người bán rau tại đây đã sử dụng hết hơn 50 túi ni lông. Một số người chỉ mua vài cọng hành, vài quả chanh hay quả ớt nhưng vẫn dùng mỗi loại riêng một túi.
Tiểu thương tại các khu chợ dân sinh khẳng định, việc dừng sử dụng túi ni lông hay thay thế bằng túi sinh học tự tiêu hủy là bất khả thi. Lý do là túi ni lông gia công được bán với giá rẻ, chỉ 20.000-30.000 đồng/kg, đủ màu sắc và kích cỡ trong khi túi sinh học được bán với giá 70.000-120.000 đồng/kg, thậm chí còn cao hơn. Theo bà Ngô Thị Liên, tiểu thương chợ Đồng Xa (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy), chỉ bán vài mớ rau, con cá mà dùng các loại túi sinh học hay túi vải giá thành cao thì còn đâu lãi lời… Chính những điều này khiến các tiểu thương không mặn mà sử dụng túi thân thiện với môi trường.
Túi ni lông không chỉ phổ biến ở các chợ đầu mối, chợ nhỏ lẻ mà còn xuất hiện ở các siêu thị. Tại hệ thống siêu thị Quang Minh trên địa bàn xã Bắc Hồng (huyện Đông Anh) vẫn hằng ngày đựng hàng hóa cho khách vào túi ni lông thông thường. Anh Nguyễn Quang Minh, chủ hệ thống siêu thị chia sẻ: “Tôi đã thử dùng túi ni lông thân thiện với môi trường, tuy nhiên túi tự phân hủy có giá thành cao trong khi túi ni lông thông thường mua sỉ chỉ 20.000 đồng/kg...”.
Hồi chuông cảnh báo
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, bình quân mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng 1kg ni lông/tháng. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó có từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn bị thải ra biển; chỉ có 27% số rác thải nhựa được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Những con số trên cho thấy, số lượng rác thải nhựa thải ra môi trường rất lớn, song việc xử lý và tái chế còn nhiều hạn chế. Cụ thể, 90% được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt; chỉ có 10% còn lại là được tái chế. Điều đó tạo “gánh nặng” rất lớn cho môi trường.
Đề cập đến vấn đề này, Giám đốc Chi nhánh Khu xử lý rác thải Nam Sơn Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ: “Khó xử lý nhất vẫn là rác thải từ túi ni lông. Hiện nay, rác thải là túi ni lông chưa được phân loại từ đầu nguồn, vẫn lẫn trong các loại rác khác lại càng gây khó khăn hơn cho việc xử lý”. Bà Lê Thị Lý ở khu tập thể Học viện Nông nghiệp Việt Nam (phường Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm) dẫn chứng: “Khu đất nhà tôi ở trước đây cho các cháu sinh viên thuê. 10 năm sau khi xây nhà, gia đình tôi tốn rất nhiều công thuê người về nhặt túi ni lông mà các cháu sinh viên dùng xong vứt ra vườn nhưng chưa phân hủy hết”.
Nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho thấy, mỗi chiếc túi ni lông cần từ 400 năm đến 1.000 năm để phân hủy hoàn toàn. Trong thời gian đó, chúng phân rã thành vi hạt nhựa, dễ dàng xâm nhập vào chuỗi thức ăn và tích tụ trong cơ thể sinh vật. Đặc biệt, sản phẩm này còn là nguyên nhân chính gây tắc nghẽn dòng chảy, khiến nước ngập mỗi khi mưa lớn. Sự tồn tại của túi ni lông trong môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước. Túi ni lông lẫn vào đất sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản không khí đi qua đất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng. Thêm vào đó, túi ni lông bị vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh.
Chiếc túi ni lông nhỏ bé tưởng chừng vô hại nhưng sự tàn phá của nó đối với môi trường, sức khỏe con người vô cùng nghiêm trọng. Dẫu vậy, để thay đổi nhận thức của mỗi người, cùng nhau chung tay loại bỏ túi ni lông khó phân hủy, thay thế bằng túi sinh học, hướng đến một tương lai xanh lại không hề dễ dàng.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.