(HNM) - Lưu Quang Vũ không chỉ là nhà văn, nhà viết kịch, ông còn là một nhà thơ. Hẳn là thế và ai cũng biết thế, nhưng dường như đời thơ Lưu Quang Vũ chưa được biết tới đầy đủ.
“Trên mái nhà, cao vút rừng cây
Trên rừng cây những đám mây xô dạt
Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng
Thơ tôi là mây trắng của đời tôi”.
(“Mây trắng của đời tôi” - Lưu Quang Vũ)
Xuất hiện ngay những phút đầu tiên trong bộ phim tài liệu của đạo diễn Nguyễn Thước nhân 20 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, “tuyên ngôn” về thơ vừa giản dị vừa sâu sắc ấy của Lưu Quang Vũ cũng là “lối” để bạn đọc đến với hồn thơ của ông.
“Nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ mất ở tuổi bốn mươi - khi sức sáng tạo đang dồi dào, tài năng đang độ chín. Cuộc sống của Lưu Quang Vũ tuy ngắn ngủi, nhưng ông đã có những đóng góp không nhỏ cho đời sống văn học dân tộc ở nhiều thể loại thơ, văn xuôi, kịch…”. (Nhà phê bình Lưu Khánh Thơ) |
Một hồn thơ mà như nhà thơ, nhà phê bình Vũ Quần Phương đã nói: “Dù vui hay buồn, tin cậy hay hoang mang… bao giờ anh cũng đắm đuối”. Đắm đuối cũng là nét đặc sắc, xâu chuỗi những chặng đường thơ Lưu Quang Vũ, tạo nên sức hấp dẫn cho “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” (NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam ấn hành). Các nhà phê bình nhận định trong buổi ra mắt tập thơ này mới đây tại Trung tâm Văn hóa Pháp: Đọc “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” cũng như nhìn ngắm một khu rừng ở những thời điểm khác nhau, nếu như “Hương cây” (phần I) là lộc non, chồi biếc, là ánh sáng rạng rỡ của tuổi trẻ, niềm tin, thì từ “Viết cho em từ cửa biển” (phần II), “Đất nước đàn bầu” (phần III), rồi “Mắt của trời xanh” (Phần IV) và “Những đám mây ban sớm” (phần V), rừng thơ ấy đã qua những mùa thay lá và người thơ thì trải qua những năm tháng với đầy đủ những tầng bậc cảm xúc khác nhau từ cô đơn cho tới tuyệt vọng. Nhưng đúng là dù ở cung bậc cảm xúc nào, thơ Lưu Quang Vũ vẫn giản dị, đắm say.
Với người đọc đã từng yêu thơ ông, thì đọc tuyển tập với những thi phẩm xếp theo trình tự thời gian là một cách trải nghiệm cùng Lưu Quang Vũ về tình yêu, cuộc sống, đất nước. Bên cạnh 100 bài thơ, tuyển tập này còn giới thiệu phần thủ bút của Lưu Quang Vũ trích trong tập “Cuốn sách xếp lầm trang”.
Với sự hỗ trợ tư liệu của gia đình, sự tuyển chọn, sắp xếp công phu, cộng với phần minh họa của Nguyễn Thị Hiền và Đặng Xuân Hòa, “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” thực sự làm người đọc đắm say hơn với một hồn thơ say đắm; đồng thời góp phần đánh giá sâu sắc hơn những đóng góp của ông trên bình diện thơ ca.
Ước chi được hóa thành ngọn gió
Để được ôm trọn vẹn nước non này
Để thổi ấm những đỉnh đèo buốt giá
Để mát rượi những mái nhà nắng lửa
Để luôn luôn được trở lại với đời…
Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi…
(“Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” -Lưu Quang Vũ).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.