Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại tướng Lê Đức Anh với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)

TTXVN| 30/04/2019 06:45

LTS: Đại tướng Lê Đức Anh (1920-2019) là một trong những vị tướng lĩnh tài năng, nhà lãnh đạo quốc gia dày dạn kinh nghiệm, tầm cỡ, có nhiều cống hiến quan trọng cho sự nghiệp cách mạng dân tộc. Nhân kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 - 30/4/2019), đồng thời để thêm một lần bày tỏ ghi nhớ công lao, niềm tiếc thương vô hạn với Đại tướng, Thông tấn xã Việt Nam có bài viết “Đại tướng Lê Đức Anh với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)”. Báo Hànộimới xin giới thiệu tới bạn đọc.

Trung tướng Trần Văn Trà - Tư lệnh Bộ Chỉ huy miền Nam (người đang chỉ tay trên bản đồ) và Tham mưu trưởng Lê Đức Anh (người ngồi bên phải Trung tướng Trần Văn Trà) trong cuộc họp Bộ Chỉ huy miền Nam tại Căn cứ Lộc Ninh (Bình Phước) năm 1972. Ảnh tư liệu


Sinh ra và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống yêu nước (Thừa Thiên - Huế), đồng chí Lê Đức Anh sớm giác ngộ và tham gia đấu tranh cách mạng từ năm 1937, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1938. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đồng chí lần lượt giữ nhiều chức vụ chỉ huy quan trọng trên chiến trường miền Nam (chính trị viên tiểu đoàn, trung đoàn, Tham mưu trưởng các khu 7, 8 và Đặc khu Sài Gòn - Gia Định)...

Sau Hiệp định Geneve (7-1954), đồng chí Lê Đức Anh (lúc đó đang là Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Nam Bộ) tập kết ra miền Bắc. Trước khi lên đường, thực hiện sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ lường định về cuộc chiến tranh có thể nổ ra, đồng chí Lê Đức Anh trực tiếp chỉ đạo các đơn vị thực hiện chôn giấu một số loại vũ khí tốt cùng máy móc công binh xưởng. Những vũ khí, máy móc này về sau trở thành những trang thiết bị đầu tiên rất có giá trị của Quân giải phóng.

Thời gian đầu ra miền Bắc (1954-1964), đồng chí Lê Đức Anh được Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy (sau gọi là Quân ủy Trung ương) phong quân hàm Đại tá (1958), bổ nhiệm giữ lần lượt các chức vụ khác nhau: Sư đoàn trưởng Sư đoàn Bộ binh 330, Cục phó Cục Tác chiến, Cục trưởng Cục Quân lực - Bộ Tổng Tham mưu, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Dù trên cương vị nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng quân đội ngày càng vững mạnh.

Đặc biệt, đồng chí Lê Đức Anh trực tiếp tham gia chỉ đạo việc tuyển chọn lực lượng đầu tiên làm nhiệm vụ mở tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trên bộ, trên biển từ Bắc vào Nam, đồng thời cùng cơ quan Bộ Tổng Tham mưu tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ (chủ yếu là con em miền Nam tập kết) tích cực huấn luyện, rèn luyện, chuẩn bị sẵn sàng về Nam chiến đấu.

Đầu năm 1964, khi chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ đang đạt đỉnh cao, trước yêu cầu tăng cường công tác chỉ huy trong tình hình mới, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương ra quyết định điều động đồng chí Lê Đức Anh vào chiến trường miền Nam, giữ chức Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Miền (Quân giải phóng miền Nam). Đây được xem là cơ quan tiền phương của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh ở chiến trường trọng điểm Nam Bộ (B2); chịu sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Cục miền Nam; có nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động quân sự, các lực lượng vũ trang trên các chiến trường Khu 6, 7, 8, 9 và Sài Gòn - Gia Định.

Trên cương vị công tác mới, do thấm nhuần đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng, cùng với kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm gắn bó với chiến trường miền Nam, đồng chí Lê Đức Anh chủ động đề xuất với Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền một số chủ trương, biện pháp quan trọng: Một là, mở rộng vùng giải phóng miền Đông Nam Bộ ra phía Đông (khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu) nhằm tận dụng khai thác nhân lực, vật lực, tiếp nhận sự chi viện vật chất bằng đường Hồ Chí Minh trên biển từ miền Bắc; hai là, tập trung xây dựng lực lượng tại chỗ, cả bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, lực lượng vũ trang nội đô (biệt động thành), đẩy mạnh tác chiến hỗ trợ tích cực phong trào đấu tranh chính trị đô thị; ba là, tăng cường huấn luyện cho bộ đội, nhất là các chiến thuật phục kích, tập kích, đánh địch cả trong và ngoài công sự, tập trung lực lượng sẵn sàng chủ động mở những chiến dịch tiến công có hiệu suất tiêu diệt cao.

Những đề xuất trên được cơ quan chỉ đạo chiến lược thông qua, ra nghị quyết thực hiện. Trên cơ sở đó, mùa khô 1964-1965, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền đã lãnh đạo quân dân Nam Bộ mở đợt hoạt động tiến công rộng lớn, trong đó có những chiến dịch giành thắng lợi lớn, như: Chiến dịch Bình Giã (2/12/1964 - 3/1/1965), Chiến dịch Đồng Xoài (10/5 - 22/7/1965), góp phần cùng toàn miền đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.

Đầu năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh, quân một số nước đồng minh cùng nhiều loại phương tiện, trang bị vũ khí hiện đại vào trực tiếp tham chiến tại miền Nam, đồng thời mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc Việt Nam, chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Quân viễn chinh Mỹ có mặt tại miền Nam không ngừng tăng lên: 81.000 (1965), 376.000 (1966), 480.000 (1967) và đạt 543.000 (1968). Dựa vào ưu thế về quân đông, hỏa lực mạnh, sức cơ động nhanh, Mỹ - chính quyền Sài Gòn liên tiếp mở những cuộc phản công chiến lược trong hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 trên khắp chiến trường miền Nam, trọng điểm vào miền Đông Nam Bộ, nhằm “chụp bắt” các cơ quan chỉ đạo chiến lược cách mạng.

Ngay từ những ngày đầu quân Mỹ vào miền Nam, đồng chí Lê Đức Anh cùng Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền đã họp và sớm nhận định: Địch sẽ tổ chức các cuộc hành quân “tìm diệt” quy mô lớn để tiêu diệt cơ quan đầu não và chủ lực Quân giải phóng. Do vậy, ta cần phải di chuyển cơ quan và chủ động lập kế hoạch đối phó. Theo đó, bộ đội chủ lực sẽ bố trí ở vòng ngoài, khi xuất hiện thời cơ thì tổ chức đánh tập kích. Lực lượng tại chỗ sẽ phối hợp đánh địch bằng một phương thức mới là “bám trụ và bung ra đánh”.

Trong hoàn cảnh trên địa bàn tác chiến thưa dân (hoặc không có dân) thì lấy cán bộ, nhân viên ở các cơ quan tổ chức thành nhiều đội du kích xã, ấp để chiến đấu. Bộ Chỉ huy Miền giao đồng chí Lê Đức Anh trực tiếp chỉ huy đánh địch tại chỗ. Sau khi rà soát lực lượng, nghiên cứu địa bàn, nắm bắt ý đồ chiến lược của phía Mỹ, đồng chí Lê Đức Anh trực tiếp giao nhiệm vụ cho các cán bộ đầu ngành của các cơ quan Bộ Chỉ huy Miền và Trung ương Cục. Mỗi ngành tổ chức thành một “huyện đội" (hành chính) do đồng chí chủ nhiệm ngành làm “huyện đội trưởng”, triển khai đứng chân và xây dựng trận địa chiến đấu trong một địa bàn huyện với các “xã chiến đấu”, “ấp chiến đấu” có chiều sâu và chiều rộng phòng ngự liên hoàn.

Nhờ triển khai thế trận đó, ta đã lần lượt đánh bại những cuộc hành quân tìm diệt quy mô lớn của địch, trong đó lớn nhất là cuộc hành quân Junction City đầu năm 1967 có 45.000 quân tham gia. Đây chính là một nét độc đáo về nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, được đồng chí Lê Đức Anh tổ chức thực hiện rất thành công, sau được áp dụng rộng rãi trên các chiến trường.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại tướng Lê Đức Anh với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.