Nghị quyết nhấn mạnh bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cố tình đổ lỗi cho các dân tộc hay các nhóm sắc tộc nhằm bênh vực và giảm bớt trách nhiệm của Đức quốc xã trong Thế chiến 2 cũng bị coi là xuyên tạc.
Đại hội đồng Liên hợp quốc gồm 193 nước thành viên ngày 20-1-2022 đã thông qua nghị quyết chống phủ nhận vụ thảm sát Holocaust, với mục tiêu để thế giới không lãng quên tội ác của Đức quốc xã.
Đúng vào ngày này cách đây 80 năm, Đức quốc xã đã họp Hội nghị Wannsee để lên kế hoạch "Giải pháp cuối cùng", theo đó tiêu diệt toàn bộ người Do Thái.
Nghị quyết do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua cũng kêu gọi thế giới cùng đấu tranh chống chủ nghĩa bài Do Thái.
Nghị quyết chỉ rõ những hành động nào sẽ bị coi là xuyên tạc và phủ nhận vụ thảm sát Holocaust mang tính lịch sử, chẳng hạn cố tình có hành động, hành vi hay lời nói coi nhẹ hậu quả của vụ thảm sát này đối với nhân loại, coi nhẹ những đau thương do Đức quốc xã và đồng minh gây ra; cố tình đưa ra những thông tin không đúng sự thật về sự kiện Holocaust hay đổ lỗi cho người Do Thái.
Nghị quyết nhấn mạnh, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cố tình đổ lỗi cho các dân tộc hay các nhóm sắc tộc nhằm bênh vực và giảm bớt trách nhiệm của Đức quốc xã trong việc lập các trại tập trung giết người trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai cũng bị coi là xuyên tạc và phủ nhận vụ thảm sát Holocaust.
Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi các nước thành viên cũng như các mạng xã hội đấu tranh chống lại nạn kỳ thị người Do Thái và phủ nhận vụ thảm sát Holocaust do những đối tượng cố tình phát tán thông tin sai lệch thông qua các phương tiện truyền thông gây nên.
Việc thông qua nghị quyết này đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng của Đại hội đồng Liên hợp quốc rằng, cho dù 80 năm đã trôi qua, thế giới chưa bao giờ quên lãng sự kiện đau buồn này và bất kể vì lý do gì, không ai hay tổ chức nào có quyền phủ nhận lịch sử, nhất là lịch sử kinh hoàng như vụ Holocaust.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.