(HNM) - Tập đoàn cho vay thế chấp nhà lớn nhất nước Mỹ là Fannie Mae lại vừa cầu cứu chính phủ cho vay thêm 8,5 tỷ USD sau khi bị thua lỗ nặng trong quý I-2011. Báo cáo tài chính công bố đầu tháng 5 cho biết trong 3 tháng đầu năm nay, Tập đoàn Fannie Mae lỗ 8,7 tỷ USD.
Theo Fannie Mae, nguyên nhân thua lỗ là do giá nhà giảm 1,8% trong 3 tháng đầu năm khiến số nhà bị tịch thu tăng lên khi nhiều chủ nhà vay tiền thế chấp để mua nhà, nhưng phải bỏ khi giá bán không bằng số tiền đã vay. Với khoản đề nghị cứu trợ trên, tổng số tiền mà tập đoàn ngân hàng này vay chính phủ từ tháng 9-2008 đã lên tới 99,7 tỷ USD. Đây là gói cứu trợ lớn nhất của chính phủ đối với một công ty. Trong khi đó, một "đại gia" cho vay thế chấp khác của Mỹ là Freddie Mac mới đây cũng thông báo lỗ gần 1 tỷ USD trong quý I năm nay nhưng không yêu cầu chính phủ cấp thêm vốn vay. Như vậy, cả hai "đại gia" cho vay thế chấp nhà của Mỹ đã đề nghị chính phủ hỗ trợ khoảng 164 tỷ USD, vượt quá tổng số tiền cứu trợ cho các cơ quan tài chính lớn như Tập đoàn quốc tế Mỹ AIG và Citigroup. Nhưng khi các cơ quan tài chính đều đã lần lượt hoàn trả khoản nợ của chính phủ và bắt đầu thu được lợi nhuận thì hai đại gia nhà đất vẫn đang bị thua lỗ nặng nề.
Fannie Mae (tên chính thức là Hiệp hội Thế chấp quốc gia toàn liên bang) và Freddie Mac (Tập đoàn Thế chấp nhà toàn liên bang) là hai tập đoàn được Chính phủ Mỹ bảo lãnh, có chức năng cung cấp vốn cho thị trường vay thế chấp nhà của nước này. Từ khi được chính phủ thành lập lần lượt vào các năm 1938 (Fannie Mae) và 1970 (Freddie Mac) đến nay, hai ngân hàng này đã tạo điều kiện cho hàng triệu người Mỹ có mức thu nhập trung bình và thấp vay tiền mua nhà với lãi suất hợp lý. Trước khi cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ xảy ra, Fannie Mae và Freddie Mac đã bơm 5.900 tỷ USD, tức khoảng 3/4 tổng vốn cho vay trên thị trường cầm cố nhà đất. Năm 2007, bong bóng nhà đất Mỹ tan vỡ đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng cho vay tín dụng dưới chuẩn, từ đó gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế. Cùng với việc nền kinh tế số 1 thế giới khủng hoảng nghiêm trọng năm 2008, hai nhà cho vay thế chấp lớn nhất của Mỹ là Fannie Mae và Freddie Mac, chiếm 40% thị phần, với tổng tài sản vào khoảng 5.000 tỷ đã tuyên bố mất khả năng thanh toán gây chấn động thị trường tài chính thế giới. Lúc này, Tổng thống Barack Obama nhận thấy Fannie và Freddie đang trở nên rất quan trọng trong chương trình giải cứu thị trường nhà đất, do đó hai "đại gia" bất động sản bắt đầu nhận được cứu trợ từ chính phủ. Chương trình này nhằm mục đích tái cấp vốn hoặc điều chỉnh nợ cầm cố nhà cho 9 triệu người Mỹ để họ tránh khỏi cảnh bị tịch biên nhà. Tháng 12-2009, Chính phủ Mỹ tuyên bố hủy bỏ giới hạn viện trợ 400 tỷ USD đã đặt ra từ đầu cho hai đại gia nhà đất, nhưng cam kết trong 3 năm tới chính phủ vẫn sẽ hỗ trợ vốn bất chấp hai đại gia này thua lỗ bao nhiêu.
Như vậy, trong khi Mỹ đang cõng một khoản nợ công đã vượt ngưỡng 14.000 tỷ USD thì việc tiếp tục cứu trợ cho hai "đại gia" nhà đất này là một thách thức với chính quyền Obama.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.