Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại biểu Quốc hội tranh luận về chính sách ưu đãi cho đặc khu kinh tế

Bảo Hân| 23/05/2018 12:46

(HNMO) - Sáng 23-5, phiên họp toàn thể tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIV thảo luận dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt diễn ra khá sôi nổi.

tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIV thảo luận dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt diễn ra sôi nổi. Qua phát biểu và tranh luận, nhiều đại biểu đưa ra quan điểm mạnh mẽ, mong muốn bảo đảm tính khả thi khi Luật đi vào cuộc sống.


Đại biểu đặt ra nhiều câu hỏi

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nêu, thực tiễn nhiều nước và chính nước ta, nhiều dự án có chủ trương đúng nhưng lại thất bại, gây nhiều tổn thất ở khâu tổ chức thực hiện. Khi kiểm điểm, kỷ luật hay xét xử trước toà, những người phụ trách thường nêu lý do quá nôn nóng hay chạy theo thành tích. Vì vậy, đại biểu Nghĩa nhấn mạnh, dù đã có quyết định về chủ trương, trách nhiệm của Quốc hội là thiết kế các luật và nghị quyết bảo đảm chủ trương thực hiện thắng lợi cao nhất, vì lợi ích của đất nước, nhân dân.

Đại biểu Nghĩa lưu ý, tại những đặc khu này, nhà nước đã đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng vào đường sá, điện nước, sân bay, bến cảng.... Theo tài liệu của các đề án, sẽ phải đầu tư tiếp hơn 1,5 triệu tỷ đồng vào hạ tầng kỹ thuật, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ngân sách nhà nước. Ngoài ra, sự ưu đãi, hào phóng về tiền thuê đất, thuê mặt nước, các sắc thuế như đề xuất của các bộ, ngành, địa phương cũng chính là khoản đầu tư tài chính cực lớn về ngân sách. 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM).


"Cử tri chờ đợi ĐBQH phân tích và trả lời chính xác câu hỏi: Trong 10 năm, 20 năm hoặc 50 năm tới, tất cả những khoản đầu tư ấy sẽ đem lại lợi ích gì, bao nhiêu và cho ai?... Ngoài bài toán kinh tế, chúng ta sẽ được và mất gì về văn hoá, xã hội, an ninh và quốc phòng?.

Câu trả lời thiết yếu là 3 đặc khu phải góp phần làm cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn, công nghệ hiện đại hơn, chất lượng và hiệu quả cao hơn, bảo đảm môi trường xanh sạch hơn; đời sống văn hoá và vật chất của người dân sở tại tốt hơn; chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền kinh tế được bảo vệ vững chắc hơn; cuối cùng, phải tạo ra những thành phố Việt Nam văn minh và thịnh vượng hơn, ngang tầm với khu vực và thế giới" - đại biểu Nghĩa phát biểu.

Nêu vấn đề về cấp phép đến ba casino khi các casino chủ yếu phục vụ nhu cầu cờ bạc của con người, đại biểu Nghĩa tiếp tục đặt ra câu hỏi: "Chúng ta có quản lý nổi hệ lụy của loại hình này không?. Một nước quy mô nhỏ, quản lý tốt, pháp luật nghiêm như Singapore cũng chỉ mở một casino, vậy mà cũng phát sinh nhiều vấn đề xã hội". Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị chỉ mở một casino.

Với lộ trình thành lập các đặc khu, đại biểu Nghĩa cho rằng không nên triển khai đồng loạt, chỉ nên làm một đặc khu sau đó rút kinh nghiệm và triển khai làm tiếp.

“Tôi kiến nghị chưa thông qua dự án Luật tại kỳ họp này" - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu.


Giao đất 99 năm, không cẩn thận trở thành nơi di dân

Tại báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, sau khi cân nhắc nhiều mặt, dự thảo quy định, về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng:

(1) Thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm, do Chủ tịch UBND đặc khu quyết định căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư;

(2) Trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định (khoản 1 Điều 32).

Trước ý kiến của một số đại biểu không đồng tình với thời hạn sử dụng đất 99 năm là quá dài, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) tranh luận, bày tỏ sự đồng tình, bởi chính quy định này mới tạo tính vượt trội và đột phá, là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư. “Chúng ta không nên lo điều này vì tài sản, công trình người ta còn ở đó, nằm trên đất nước mình”, ông Thân nhấn mạnh.


Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai).


Tranh luận với đại biểu Nguyễn Văn Thân khi cho rằng thời hạn cho thuê đất 99 năm được xem là ưu thế vượt trội, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) phân tích, nói đến đặc khu, không thể bỏ qua yếu tố là đang thử nghiệm. Thử nghiệm có thể thành công và thất bại nên không thể phiêu lưu. Yếu tố thứ hai là về địa chính trị, nếu không cẩn thận, các đặc khu sẽ trở thành nơi di dân.

“Đề nghị khi lấy biểu quyết, nên có sự tách riêng ai đồng ý với 99 năm... Tôi cũng đề nghị Quốc hội nên có hình thức minh bạch ý kiến ĐBQH nếu áp dụng hình thức bấm nút chỉ có con số chung chung. Chúng ta phải chịu trách nhiệm với tương lai, với cử tri bầu ra mình” - ông Dương Trung Quốc bày tỏ.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị bỏ thời hạn giao đất 99 năm bởi lý do "không có dự án nào mà vòng đời cần đến 99 năm. Thời hạn này thực chất là ưu đãi bổ sung để nhà đầu tư có thể chuyển nhượng sau khi khai thác xong, hoặc chuyển đổi giữa chừng mà không cần giao lại đất".

Đề nghị bỏ việc miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt

Về nguồn lực thực hiện, với khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, tín hiệu đáng mừng là vai trò của các các thành phần kinh tế khác được phát huy. Tuy nhiên, với tính chất đặc thù của cả 3 đặc khu về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh, nhiều công trình, dự án, hạng mục không thể thiếu bàn tay Nhà nước. Vai trò của ngân sách Nhà nước là bắt buộc. Do vậy, bài toán đặt ra là phải có phương án tài chính hợp lý. Trong tổng số nguồn lực đó, nhà nước phải đầu tư bao nhiêu, tính khả thi của phương án huy động nguồn lực và thời gian thực hiện...

“Có một nguyên tắc là mọi khoản chi phải trong dự toán, đó là nguyên tắc hiến định. Vì vậy, chúng tôi muốn rằng các quy định của luật phải đặt trong tổng thể với kế hoạch tài chính trung hạn, kế hoạch đầu tư công trung hạn để đảm bảo tính khả thi”- đại biểu Lưu Mai nói.


Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội).


Với chính sách thuế, đại biểu Lưu Mai cho rằng, theo kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới, quá trình phát triển các đặc khu không đặt ra thuế là điều kiện tiên quyết.

“Vì vậy, chúng tôi đề nghị rà soát để đảm bảo tính khả thi. Cụ thể, tôi đề nghị bỏ quy định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với dịch vụ kinh doanh casino, kinh doanh đặt cược, trò chơi điện tử. Mặc dù dự án có tiếp thu là mức thuế 15%, mức thuế hiện hành là 35%. Ở đây, mức miễn giảm không phải ít hay nhiều mà là bản chất của thuế. Thuế tiêu thụ đặc biệt gánh trên mình nhiệm vụ điều tiết, định hướng tiêu dùng. Chúng ta chỉ áp dụng theo lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhiều nước trên thế giới khi áp dụng chính sách ưu đãi cũng không áp dụng ưu đãi với thuế tiêu thụ đặc biệt. Vì vậy, để phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm tính phù hợp với tính chất của thuế, đề nghị bỏ việc miễn giảm đối với thuế tiêu thụ đặc biệt” - nữ đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.


Đối với thuế thu nhập cá nhân, đại biểu Lưu Mai kiến nghị chỉ nên giảm 50% thuế thu nhập cá nhân với các nhà khoa học, các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, nhà quản lý. Về tiêu chí xác định đối tượng giảm thuế, giao cho UBND cấp huyện là chưa phù hợp. Do đó, đại biểu đề nghị, nếu không được luật hóa thì cũng phải bằng văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định của Chính phủ hoặc tương đương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội tranh luận về chính sách ưu đãi cho đặc khu kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.