Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại biểu Quốc hội tái chất vấn nhiều bộ trưởng

HNMO| 17/11/2015 08:00

(HNMO) - Sáng nay (17/11), Quốc hội bước sang ngày thứ hai của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10.  Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ có những giải trình liên quan đến hàng loạt vấn đề được ĐB nêu vào cuối chiều 16/11

11:47 17/11/2015

 Cuối buổi sáng nay, một số ĐB sau tiếp tục nêu chất vấn:

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) hỏi Chính phủ vì sao chưa quan tâm xây dựng luật hành chính công và trong trường hợp ĐB hỗ trợ Chính phủ xây dựng thì có được ủng hộ không?

ĐB Hùỳnh Thành (Gia Lai) chất vấn Chính phủ và các bộ ngành liên quan xác định trách nhiệm về kế hoạch trồng 100.000 ha cao su và hiện trạng trồng lấn đất sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp tại địa bàn các tỉnh miền núi Tây nguyên.

ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) chất vấn và yêu cầu Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH tiếp tục sửa đổi các quy định để những người nghỉ hưu trước 31/12/2014 được truy lĩnh tăng 8% lương.

Bộ Xây dựng quản lý xây dựng còn yếu kém, tiêu cực, nhà vượt phép chậm phát hiện; xảy ra hoả hoạn ở chung cư cao tầng... Bộ trưởng cho biết cơ quan nào chịu trách nhiệm về kiểm định chất lượng xây dựng? Việt Nam đủ năng lực đánh giá độ an toàn về độ cao của toà nhà 50-70 tầng chưa để nhân dân yên tâm?

ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) chất vấn các Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Tài chính...  về thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước

"Cần tổ chức bộ máy, các lực lượng chuyên trách như thế nào và có hành động chiến dịch mạnh mẽ gì để làm cho cuộc sống người dân được an toàn hơn khi bị đe doạ, bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong một số mặt" - ĐB chất vấn Thủ tướng Chính phủ.

ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nêu câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường về giải pháp khắ phục tình trạng sạt lở ven biển, ven sông và thiếu nước ngọt ở miền nam trung bộ ngày càng diễn ra đặc biệt nghiêm trọng.

ĐB Đinh Thị Phương Khanh (Long An) chất vấn Thủ tướng Chính phủ về giải pháp đẩy lùi nạn phân bón giả tràn lan trên thị trường.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) nêu câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về các dự án BOT giao thông như căn cứ nào để đưa ra mức phí tại tạm thu phí dự án BOT giao thông? có hay không tình trạng mỗi dự án có riêng một thông tư của Bộ quy định mức phí? cử tri nghi ngờ có sự xin cho và bỏ qua việc tham vấn, thẩm định khách quan thực tế tại các trạm cả vê mức phí, vị trí đặt trạm...? Bộ trưởng cho biết ý kiến về băn khoăn này của cử tri?

ĐB Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp)
chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế về giá thuốc theo phản ánh của cử tri là chỉ thấy tăng mà không có giảm. Có hay không sự lũng đoạn làm giá của các hãng, nhà sản xuất, phân phối trong lĩnh vực thuốc điều trị bệnh? Bộ trưởng có giải pháp gì để tạo điều kiện cho người bệnh, nhất là người bệnh nghèo bớt khó khăn? ĐB cũng chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về đào tạo nguồn nhân lực sư phạm

ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) chất vấn Thủ tướng Chính phủ khi nào ban hành cơ chế đặc thù xây dựng nông thôn mới các tỉnh miền núi phía Bắc và chính sách hỗ trợ cho người có công với Cách mạng.

Theo sự phân công, chiều nay, Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ Nội vụ sẽ trả lời đầu tiên

11:36 17/11/2015

Tổng thanh tra Nhà nước Huỳnh Phong Tranh trả lời câu hỏi ĐB Lê Như Tiến về những vi phạm tiêu cực tham nhũng trong thời gian cuối nhiệm kỳ và những giải pháp ngăn chặn?

Tôi biết ĐB rất quan tâm và câu hỏi hoàn toàn chính đáng và đặc biệt trong thời gian qua, thực tiễn có xảy ra một số vi phạm trong trường hợp đó.

Báo cáo QH trong báo cáo Chính phủ năm 2015 và những nhiệm vụ chủ yếu năm 2016 có nêu chỉ đạo các cấp các ngành thực hiện giải pháp đồng bộ, chủ trương phòng chống tham nhũng. Do đó, trong quá trình triển khai trong năm 2016, chúng tôi sẽ chú ý nội dung này của ĐB trong triển khai kiểm tra thực hiện.

Giải pháp 2 trong chỉ đạo thường xuyên công tác phòng chống tham nhũng có nêu trách nhiệm người đứng đầu để kiểm soát, giám sát thực hiện ngăn ngừa phòng chống tham nhũng. Chúng tôi thấy nếu đối tượng mà có vi phạm là người đứng đầu thì phát huy vai trò tổ chức Đảng, tổ chức đoàn thể, cán bộ công chức viên chức bằng cách các tổ chức này giám sát thường xuyên việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa; tố giác hành vi tham nhũng nếu có đến cơ quan thẩm quyền.

Giải pháp 3 là tăng cường phát hiện thanh tra, phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có vi phạm pháp luật về tham nhũng qua kênh dư luận, báo chí, đơn thư tố giác. Nếu có thông tin sẽ thanh tra đột xuất.

Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước có chức năng thanh tra, cá nhân tôi và ngành sẽ quan tâm đến nội dung này của ĐB.

11:16 17/11/2015

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời câu hỏi của ĐB Lê Nam về quy hoạch xây dựng trong nội đô gây ùn tắc giao thông. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, mặc dù thời gian vừa qua, ùn tắc giao thông đã được các bộ ngành vào cuộc quyết liệt nhưng tình trạng ùn tắc giao thông có xu hướng ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sông người dân, đây là thách thức lớn, không chỉ là vấn đề ngắn hạn mà cả dài hạn.


Có 3 nguyên nhân chính, đó là: Xu hướng tập trung hóa đô thị, dịch chuyển dân cư từ đô thị bên ngoài vào trung tâm lớn, vì trung tâm dịch vụ tốt hơn, có nhiều việc làm hơn, đời sống tốt hơn, làm tăng mật độ dân số (tại HN, mật độ dân số là khoảng 13.000 người/km2, có quận lên tới 40.000 người/km2); hệ thống hạ tầng giao thông ở HN và TP HCM còn quá nhiều bất cập, diện tích đất dành cho giao thông ít, thiếu hệ thống giao thông công cộng (tầu điện ngầm, đường sắt trên cao), nhu cầu vốn đầu tư cho giao thông lớn nhưng khả năng hạn chế; sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, 90% phương tiện giao thông cá nhân, chỉ 10% là công cộng.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, để giải quyết phải từng bước và có lộ trình, cả giải pháp trước mắt và lâu dài. Đó là: Hạn chế gia tăng dân số vào HN và TP HCM; tăng cường kiểm soát gia tăng dân số ở đô thị trung tâm (di dời bệnh viện, trường học ra đô thị vệ tinh đã và đang làm); phát triển các khu đô thị mới có hạ tầng đồng bộ, dịch vụ tốt để thu hút người dân; kiểm soát nhà ở xây dựng nhà ở cao tầng trong đô thị làm tăng dân cư trong nội đô; cần có lộ trình hoàn thiện từng bước chính sách huy động vốn phát triển giao thông, đặc biệt là tuyến sắt đô thị; hạn chế gia tăng phương tiện giao thông cá nhân.

11:08 17/11/2015

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời câu hỏi của ĐB Đỗ Văn Đương về những mặt trái của bất động sản (BĐS).

Khi thị trường BĐS đóng băng vào những năm vào đầu 2011 trở đi, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, đến kinh tế vĩ mô. Theo yêu cầu của TƯ, Chính phủ, QH, yêu cầu phải thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, khắc phục lệch pha cung cầu gắn việc thực hiện nhà ở quốc gia và các giải pháp để thực hiện đến cuối 2013.

Đến nay, thị trường BĐS dần từng bước được cải thiện, được phục hồi tích cực, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết an sinh xã hội, đặc biệt là nhà ở cho người dân, đặc biệt là người dân nghèo không thể mua nàh ở theo cơ chế thị trường.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng


Tuy nhiên hiện nay thị trường BĐS ấm lên đã dần xuất hiện đầu cơ. Ở một số dự án, giá mua nhà sử dụng cao hơn nhiều so với giá chủ đầu tư bán ra. Một số dự án có vị trí tốt, tiến độ thi công nhanh thì giá cao lên và chủ đầu tư chủ động tăng giá. Mặt khác có xu hướng nhiều dự án BĐS, nhà ở được khởi công. Từ đó dẫn đến lo ngại về bong bóng BĐS diễn ra trong thời gian tới.

Theo nghiên cứu chuyên gia và theo kinh nghiệm của các nước đã trải qua thời kỳ bong bóng BĐS, bong bóng BĐS chỉ xảy ra khi hội tụ được đầy đủ yếu tố: nền kinh tế phát triển không ổn định, phát triển nóng; thị trường khác hoạt động không ổn định, thiếu hấp dẫn; nguồn cung BĐS thiếu hoặc lệch pha cung cầu; chính sách tài chính tín dụng BĐS lỏng lẻo; chứng khoá hoá BĐS, hạ chuẩn BĐS một cách dễ dàng và do đó dẫn đến ngy cơ bong bóng BĐS, thiếu sự kiểm soát và can thiệp kịp thời của nhà nước.

Các yếu tố trên đối chiếu với tình hình hiện nay thì khó có thể xảy ra tình trạng bong bóng BĐS vì kinh tế của chúng ta đang phục hồi và tăng trưởng, ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, diễn biến của thị trường BĐS rất phức tạp nên không thể chủ quan mà còn phải chủ động để bảo đảm thị trường phát triển bền vững. Nếu vậy sẽ làm thị trường có liên quan như thị trường tài chính tín dụng, vật liệu xây dựng, hàng hoá.. phát triển ổn định và ổ định nền kinh tế.

Các giải pháp là hoàn thiện pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng đô thị, kinh doanh bất động sản; tập trung kiểm soát quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, khắc phục tình trạng đầu tư chỉ theo quy hoạch mà không theo kế hoạch; kiên trì thực hiện các giải pháp kiểm soát phát triển thị trường bất động sản gắn với chiến lược nhà ở quốc gia; đa dạng hoá các sản phẩm bất động sản; kiểm soát thị trường tài chính tín dụng, kiểm soát chặt chẽ nguồn tín dụng vào bất động sản; tập trung tái cấu trúc các DN bất động sản, tăng tính chuyên nghiệp của các DN BĐS, khắc phục sản phẩm bất động sản, DN yếu kém, dẫn đến thu lỗ, thiệt hại cho khách hàng, cho nền kinh tế.

Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp cùng các bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp trên để hoàn thành nhiệm vụ.

11:00 17/11/2015

 ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) chất vấn Bộ Tài chính về Chính phủ, các bộ ngành chức năng thực hiện thanh tra, kiêm toán thế nào với TCty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước qua hơn 10 năm hoạt động

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) chất vấn Thủ tướng Chính phủ về Chính phủ có giải pháp cụ thể hữu hiệu nào để chống lãng phí. Đây là loại kẻ thủ rất khó tiêu diệt. Năm 2016, dự kiến tiết kiệm bao nhiêu tỷ trong phòng chống lãng phí ? Thủ tướng đánh giá và công bố thứ tự thực hiện kỷ cương phép nước của các bộ ngành hay không? Bao giờ có phương án hỗ trợ cho đồng báo tái định cư vùng thuỷ điện Hoà Bình

ĐB An chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương giải pháp nào để triệt tiêu nhân tố phi thị trường hiện nay về hàng giả hàng lậu hàng nhái, hàng bẩn lan tràn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, sức khoẻ nhân dân?

ĐB Lê Nam (Thanh Hoá) chất vấn Thủ tướng Chính phủ sẽ có chủ trương, giải pháp nào trước việc Trung quốc bồi đắp và xâm lấn nghiêm trọng hơn trên Biển Đông, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết của QH với các ngư dân, cảnh sát biển, kiểm ngư?

10:51 17/11/2015

 ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) đặt câu hỏi với Thủ tướng: Xin Thủ tướng cho biết quan điểm khi một số địa phương có kế xây dựng trụ sở hoành tráng?

ĐB này đặt hỏi đối với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc PTT có biết tình trạng nhà cao tầng mọc quá nhiều trong nội thành? Kế hoạch di dời bệnh viện ra ngoại thành đã có từ lâu nhưng chưa thực hiện được gây nhiều hệ lụy, vậy giải pháp để khắc phục để chống ùn tắc?

Với Bộ trưởng Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi nhưng hiện có hiện tượng một số chủ dự án lớn găm hàng, tăng giá, coi đây là nghệ thuật kinh doanh có lợi nhuận cao, Bộ trưởng cho biết có hiện tương này không? Đây có phải là tác nhân kích thích nguy cơ bóng bóng bất động sản trở lại, nếu có thì giải pháp là gì?

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nêu ý kiến với Thủ tướng về việc xây dựng quốc lộ 1A đoạn qua Quảng Nam gây khó khăn cho người đi lại.

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị): Xin Thủ tướng cho biết làm thế nào để có chính phủ tinh gọn?

ĐB Như Tiến nêu câu hỏi đối với Tổng thanh tra Chính phủ: Trách nhiệm cá nhân và giải pháp để chặn đứng quan chức Nhà nước chạy nước rút trước khi “hạ cánh”,  biến của công thành của tư.

10:41 17/11/2015

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tính công bằng trong thụ hưởng phụ cấp? Tại sao không quy định mỗi loại ngành nghề chỉ được hưởng một loại phụ cấp duy nhất? Đều là cán bộ công chức như nhau lại có chế độ hưởng khác nhau? Bộ trưởng có biết hay không?

ĐB chất vấn Viện trưởng Viện KSND tối cao về việc thực hiện Nghị quyết của QH ngành kiểm sát khi tình hình bỏ lọt tội phạm chưa được khắc phục triệt để.

ĐB Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hoà) chấn vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tình tình tội phạm và vi phạm pháp luật diễn biến rất phức tạp, có sự tiếp tay thông đồng hoặc không thực hiện đúng chức trách của một bộ phận chuyên trách. Chính phủ đánh giá thế nào về khả năng phòng chống tội phạm của các cơ quan nhà nước hiện nay?

ĐB chất vấn Phó thủ tướng Vũ Đức đam về cái chết từ từ do thực phẩm không an toàn mang lại. Trách nhiệm của các Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ KH-CN trong việc quản lý nuôi trồng, lưu thông như thế nào, có chồng chéo không? Phó Thủ tướng đã chỉ đạo như thế nào trong lĩnh vực vệ sinh ATTP

ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu tình trạng kinh doanh đa cấp biến tướng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những người nông dân nghèo khổ. Đã có bỏ học, ly hôn, tự tử khi dính vào đa cấp. Các DN này vi phạm nhiều quy định về pháp luật . Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đã phản ứng chậm chạp, vai trò quản lý mờ nhạt. Bộ trưởng Bộ Công thương xác định trách nhiệm của mình như thế nào để giải quyết?

Bộ trưởng cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ không bổ nhiệm thêm cấp phó ở các bộ và đơn vị thuộc bộ đã đủ cấp phó.

10:34 17/11/2015

Với ý kiến của ĐB về cải cách hành chính tự từ lý thuyết so với thực tế còn khoảng cách, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, về tổng quan hành chính, pháp luật, bộ máy, cán bộ công chức, hành chính công thời gian qua đều có bước tiên bộ quan trọng, trước hết là sự công khai, minh bạch tốt hơn, lắng nghe ý kiến của dân nhiều hơn, môi trường kinh doanh nước ta có tiến bộ hơn, thủ tục hành chính về đất đai, thuế, hải quan…có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng thừa nhận đúng là lý thuyết và thực tế còn khoảng khách, còn nhiều phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Vì vậy, theo Phó Thủ tướng, phải tiến hành đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào giải pháp sau: Tiếp tục thực hiện về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức (đến 30/10 có 12 bộ, hơn 20 địa phương đã thực hiện tinh giản biến chế 2015 với 3.300 người); đẩy mạnh hơn công khai minh bạch; tiếp tục ứng dụng CNTT trong quản lý, thực hiện Chính phủ điện tử ở các cấp, chính quyền, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, phải đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ gây phiên hà cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường đánh giá mức độ hài lòng của người dân; nhân dân, DN, tổ chức, hiệp hội có những phản ánh kịp thời đến cơ quan chức năng những khó khăn vướng mắc về giải quyết thủ tục và những van đề có liên quan.

10:27 17/11/2015

Trả lời chất vấn của ĐB Tô Văn Tám về đánh giá năng suất lao động (NSLĐ) Việt Nam và giải pháp để nâng cao NSLĐ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết vừa rồi Chính phủ đã họp chuyên đề về vấn đề này. Có thể nói theo báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới, NSLĐ Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á - Thái Bình Dương. Tuy vậy từ năm 2005 đến 2014, NSLĐ Việt Nam tăng bình quân 3,7% năm, là tính hiệu hết sức đáng mừng với nước ta.

NSLĐ mỗi quốc gia phụ thuộc vào 4 yếu tố lớn: cơ cấu kinh tế, chất lượng lao động và hiệu quả sử dụng lao động; khoa học công nghệ, máy móc thiết bị phục vụ lao động và trình độ tổ chức quản lý lao động

Các giải pháp lớn đưa ra là cần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế để chuyển dịch cơ cấu lao động, đưa những ngành có giá trị gia tăng cao vào sản xuất, đặc biệt là công nghiệp chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cao cấp; thay đổi công cụ sản xuất, nhất là trong nông nghiệp; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo dạy nghề theo lứa tuổi, ở nông thôn, dạy nghề theo nhu cầu; quan tâm đến mức sống tối thiêu cho người lao động và điều kiện làm việc cho người lao động.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

10:24 17/11/2015

ĐB Nguyễn Ngọc Phương tranh luận thêm với Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son về kiến nghị cử tri về cột ăngten bố trí chằng chịt gây phản cảm. Cử tri mong muốn Bộ trưởng có thể quy hoạch, kiểm tra lại vì có thể gây tác hại sập đổ, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản nhân dân.

ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) trao đổi lại với Chánh án TAND Tối cao cho rằng phần trả lời của Chánh án về vụ án ông Ngọc Phi không đúng diễn biến vụ án và mong muốn Chánh án chỉ đạo để giải quyết dứt điểm, không để tình trạng "giằng co" kéo dài hàng chục năm. ĐB cũng sẵn sàng làm việc trực tiếp với Chánh án về trình tự, diễn biến của vụ án.

ĐB Nguyễn Ngọc Hoà (Tp.HCM) thấy rằng câu trả lời của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát là chưa thoả đáng. Để tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật là đúng với mọi ngành. ĐB mong đợi là chiến lược ngành nông nghiệp Việt Nam khi hội nhập là gì, trong số các sản phẩm nông nghiệp dùng cây gì, con gì để hội nhập và trong thị trường nội địa, có chính sách gì để không bị thua trên sân nhà. Với tư cách là tư lệnh ngành, Bộ trưởng cần chỉ ra ngành nông nghiệp cần chỉ ra cho nông dân chiến lược xâm nhập hội nhập là gì?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội tái chất vấn nhiều bộ trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.