Sáng 1/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về công tác phòng, chống tội phạm và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Các vấn đề “nóng” được tập trung thảo luận là các giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm, thực thi biện pháp tử hình bằng tiêm thuốc độc.
Thiếu tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội - Ảnh: TTXVN |
Một số đại biểu Trương Thị Yến Linh (đoàn Cà Mau), Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình Thuận), Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) nhận xét công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu về ngăn chặn và đẩy lùi, gây bức xúc và mất niềm tin trong nhân dân.
Không áp dụng án treo, giảm án, tha tù tội phạm tham nhũng
Thiếu tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhấn mạnh, chưa bao giờ tần số nói về tham nhũng nhiều như bây giờ. Tham nhũng đang thách thức chế độ, thách thức sự lãnh đạo của Đảng, thách thức sự kiên nhẫn của nhân dân.
Theo đó, hiện đang có nghịch lý là tội phạm tham nhũng được phát hiện, xử lý thì chưa tương xứng với thực tế diễn ra. “Tham nhũng đang “đánh” vào tình cảm, niềm tin và danh dự của nhân dân Việt Nam. Do vậy, phải có cách “đánh” tội tham nhũng như tội xâm phạm an ninh quốc gia. “Đánh” từ trên xuống, từ ngoài vào với việc tổ chức lại lực lượng chủ công trực tiếp “tác chiến”. Đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội lập cơ quan chống tham nhũng, chịu trách nhiệm trước Quốc hội, có quyền hạn riêng, ngân sách riêng để hoạt động thực sự hiệu quả”, đại biểu Trần Đình Nhã bày tỏ.
Theo đại biểu, ngay tại kỳ họp này, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về công tác tư pháp, cần nêu rõ “không được áp dụng án treo, “không giảm án, tha tù” trước thời hạn cho tội tham nhũng.
“Tôi đề nghị Quốc hội thành lập Ủy ban chống tham nhũng, hoạt động độc lập và tiến hành nghiên cứu, soạn thảo, ban hành luật về kê khai tài sản”, đại biểu Trương Thị Yến Linh đề xuất. Đồng tình với đề xuất này, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) bổ sung thêm ủy ban trên bao gồm các điều tra viên, trinh sát viên, kiểm sát viên tinh thông nghề nghiệp, phẩm chất trong sáng.
Còn đại biểu Lê Nam, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hoá, cho rằng muốn chống tham nhũng hiệu quả cần phải có cơ quan chuyên trách thuộc Quốc hội. Nếu không vẫn chỉ là “mong mỏi của nhân dân và quyết tâm chính trị”.
Đi sâu vào phân tích các giải pháp của công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đặt vấn đề, tại sao đã có rất nhiều chế tài, giải pháp nhưng tham nhũng vẫn không được ngăn chặn, đẩy lùi? Thậm chí còn lấn át, uy hiếp cả người tích cực chống tham nhũng?
Không để luật có hiệu lực mà chưa thể thi hành
Một vấn đề được không ít đại biểu quan tâm là sớm thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, không để tình trạng luật đã có hiệu lực nhưng chưa thể thi hành vì... không có thuốc tiêm như hiện nay. Hiện hơn 400 phạm nhân bị án tử hình vẫn chưa thi hành, gây bức xúc cho nhân dân, khó khăn cho cơ quan nhà nước.
Trung tướng Trần Văn Độ, Chánh án Toà án Quân sự Trung ương “hiến kế”, đây là nguồn thuốc khó nhập vì các nước ít sản xuất, một số nước lại bỏ án tử hình. Do vậy, việc tổ chức nghiên cứu, sản xuất thuốc trong nước có thể làm được, cần tiến hành sớm, không để kéo dài.
Về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đại biểu Trần Văn Độ cho rằng, nếu nhận định nguyên nhân vi phạm pháp luật chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân thấp là chưa đầy đủ, chưa phân tích được nguyên nhân căn cơ của thực trạng này. Cần phải nhìn nhận đến các nguyên nhân về xã hội, việc làm, giáo dục…
Đề cập vấn đề này, đại biểu Hồ Trọng Ngũ (đoàn Vĩnh Long) đặt vấn đề “Cần xác định lại tuổi vị thành niên là dưới 16 hay 18 tuổi để có chế tài nghiêm khắc hơn với loại tội phạm này”. Bởi hiện tại tội phạm vị thành niên rất phức tạp, hơn 65% có sử dụng vũ khí, tính chất ngày càng nguy hiểm, dã man, mất hết tính người, nhưng việc xử lý lại chưa nghiêm, mất tính răn đe và niềm tin trong nhân dân.
Phát biểu về tình hình tội phạm ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Nguyễn Thái Học kiến nghị Chính phủ phải có chế tài xem xét trách nhiệm người đứng đầu các địa phương nếu để tội phạm gia tăng. Nếu trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông chúng ta xác định được trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền để tai nạn giao thông gia tăng, thì trong công tác phòng, chống tội phạm, Chính phủ càng phải làm quyết liệt hơn, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.