(HNM) - Khoảng 7h30 ngày 23-9 đã xảy ra vụ cháy tại dãy ki ốt bán vải và quần áo rộng gần 800m2 ở khu vực phía Bắc chợ Tó (xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh).
Ngay sau khi nhận được tin báo, các lực lượng chức năng huyện Đông Anh cùng 15 phương tiện chữa cháy và cán bộ, chiến sĩ của Công an thành phố Hà Nội được điều động đến hiện trường dập lửa, cứu tài sản, phân luồng giao thông.
Đến khoảng 8h30, ngọn lửa đã được khống chế hoàn toàn. Lực lượng chữa cháy đã bảo vệ thành công hơn 300 ki ốt đang có hàng hóa trong chợ. Theo thông tin ban đầu, vụ cháy không gây thiệt hại về người, tuy nhiên khoảng 20 ki ốt đã bị ảnh hưởng.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Lê Trung Kiên, hiện UBND đã yêu cầu các đơn vị, phòng, ban triển khai ngay phương án bảo đảm an ninh, an toàn trong khu vực, phục vụ công tác khắc phục hậu quả, xác minh nguyên nhân vụ cháy....
Trước mắt, cơ quan chức năng đặt điểm cảnh báo nguy hiểm khu vực xung quanh chợ, tạm dừng cấp điện toàn bộ khu vực chợ và tuyệt đối chưa cung cấp điện trong khu vực chợ khi chưa đủ điều kiện bảo đảm an toàn; đồng thời, triển khai các phương án vệ sinh môi trường, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân...
Từ vụ cháy trên có thể thấy nguy cơ cháy, nổ tại các chợ vào mùa hanh khô là rất cao. Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), hiện thành phố có 198 chợ thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy.
Qua kiểm tra, có 179 chợ không bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy. Từ đầu năm 2019 đến nay, cơ quan chức năng đã ra quyết định đình chỉ hoạt động 7 chợ, tạm đình chỉ hoạt động 4 chợ.
Bên cạnh đó, thành phố còn có 256 chợ do Sở Công Thương Hà Nội quản lý nhưng hơn 80% các chợ này cũng không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Ngoài ra, có 37 chợ truyền thống trong tổng số 2.331 cơ sở không bảo đảm về phòng cháy, chữa cháy thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017 của HĐND thành phố về “Quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực”.
Thiếu tá Vũ Đức Hưng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhận định, hiện nay đang bước vào mùa hanh khô, nên nguy cơ cháy, đặc biệt là tại các chợ rất cao. Do đó, để hạn chế tối đa sự cố cháy, nổ có thể xảy ra, ban quản lý các chợ phải tăng cường tự kiểm tra, rà soát việc sắp xếp hàng hóa, sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt tại chợ.
Cùng với đó, các chợ phải đầu tư kinh phí cho công tác khắc phục, sửa chữa, xây dựng lại hạ tầng và trang thiết bị của lực lượng chữa cháy cơ sở; chú trọng nâng cao ý thức, kỹ năng bảo đảm an toàn của các tiểu thương...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.