(HNMO) - Đó là thông tin được Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết chiều 2-6. Đây là ca thứ 8 được BV cấp cứu thành công bằng kỹ thuật trao đổi ôxy ngoài cơ thể (ECMO).
Tuy nhiên, đây lại là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam được bỏ máy thở ngay trong khi chạy ECMO. Bởi vì thông thường bệnh nhân thường phải trải qua thời gian điều trị ECMO kéo dài mới "cai" được máy thở.
Được biết, bệnh nhân là chị Lê Thị Dung (44 tuổi, ở Hà Nội). Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, khởi đầu bệnh nhân có biểu hiện sốt cao 39-40 độ, kèm theo gai rét. Sau nhiều ngày điều trị ở nhà không đỡ, bệnh nhân tiếp tục đi ngoài phân lỏng, ho đờm trắng nên gia đình đưa bệnh nhân đến BV gần nhà khám, điều trị ngoại trú. 3 ngày sau, bệnh nhân xuất hiện khó thở gia tăng. Bệnh nhân được đưa vào BV 19/8 trong tình trạng viêm phổi nặng, suy hô hấp. Sau đó, ngày 18-5, bệnh nhân Dung được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới trung ương trong tình trạng suy hô hấp nặng, thở máy qua nội khí quản. Sau 24 giờ theo dõi điều trị, tình trạng không được cải thiện, bệnh nhân đi vào tình trạng sốc, tụt huyết áp, tiên lượng rất xấu. Lúc này, phổi bệnh nhân đã bị tổn thương lan tỏa chiếm ¾ phổi, suy hô hấp nặng, nên được chỉ định làm ECMO.
Anh Vũ Thanh Sơn, con trai bệnh nhân Dung chia sẻ, khi mẹ tôi được đưa vào BV 19/8, mẹ hôn mê, hoàn toàn không biết gì. Sau đó, tình trạng càng nặng lên, đặc biệt khi mẹ vào BV Bệnh Nhiệt đới trung ương, hai bên nội- ngoại gia đình chúng tôi đã xác định tinh thần, chuẩn bị tâm lý xấu nhất.
Thế nhưng, sau 7 ngày được điều trị ECMO, từ chỗ tính mạng nguy kịch, sức khoẻ bệnh nhân tiến triển tốt và được bỏ thở máy, rút ống nội khí quản. Một ngày sau bệnh nhân đã tự thở được.
PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, ECMO là một kỹ thuật hồi sức đặc biệt, sử dụng máy để rút máu người bệnh ra, đưa qua màng trao đổi để cung cấp ôxy và thải CO2 thực hiện thay hoạt động của phổi và tim người bệnh. Đây là hoạt động hô hấp tuần hoàn ngoài cơ thể. Đây là trường hợp đầu tiên, BV đã rút máy thở của người bệnh trước khi rút ECMO, điều này sẽ tránh được nguy cơ bị bội nhiễm, đồng thời cũng tạo cơ hội cho bệnh nhân thở tự nhiên. Đây là biện pháp hồi sức có hiệu quả với bệnh nhân có hội chứng suy hô hấp cấp, rút ngắn thời gian điều trị, giúp chức năng hô hấp của phổi nhanh hồi phục, giảm thiểu di chứng tổn thương phổi.
Được biết, tại BV Bệnh Nhiệt đới trung ương, khi chưa triển khai kỹ thuật này với những bệnh nhân bị viêm phổi nặng, nguy kịch, tỷ lệ tử vong chiếm hơn 80% nhưng hiện nay đã có rất nhiều bệnh nhân được cứu sống. Tuy nhiên do chi phí điều trị cao (khoảng 300- 500 triệu đồng) nên không nhiều bệnh nhân có cơ hội tiếp cận kỹ thuật này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.