Hà Nội kết nối

Kịp thời cứu sống bệnh nhân 73 tuổi bị khó thở, ngất đột ngột

Thu Hoài 20/12/2023 - 12:39

Ngày 20-12, Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin về ca cấp cứu thay van động mạch chủ qua ống thông, cứu sống bệnh nhân đang nguy kịch.

a730.jpg
Ê kíp cấp cứu triển khai kỹ thuật TAVI để cứu chữa bệnh nhân.

Theo bác sĩ Lý Ích Trung, Phó trưởng khoa Tim mạch can thiệp (Bệnh viện Chợ Rẫy), ngày 24-11-2023, bệnh nhân A, ngụ tại Bình Thuận, nhập viện tại Khoa Tim mạch can thiệp trong tình trạng khó thở, đau ngực, ngất đột ngột. Khai thác tiền sử từ gia đình cho thấy, bệnh nhân bị cao huyết áp, thiếu máu, suy giáp và xơ gan. Các kết quả cận lâm sàng tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy, bệnh nhân bị hẹp van động mạch chủ nặng.

Nhận định, đây là trường hợp bị hẹp van động mạch chủ nặng, nếu tiếp tục điều trị nội khoa sẽ không phù hợp, ê kíp cấp cứu đã tiến hành hội chẩn với Khoa Phẫu thuật tim. Kết quả cuối cùng là quyết định thay van động mạch chủ nhằm giúp bệnh nhân giảm nhẹ các triệu chứng và kéo dài tuổi thọ hơn.

Tuy nhiên, nếu áp dụng phương pháp phẫu thuật tim hở truyền thống thì rất dễ gặp rủi ro ở bệnh nhân cao tuổi và mắc nhiều bệnh kết hợp nặng. Do đó, sau khi đánh giá về tình trạng thực tế của người bệnh, nhóm điều trị đã tư vấn cho gia đình bệnh nhân và gia đình lựa chọn phương pháp thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVI).

a729.jpg
Kết quả tái khám ngày 18-12 cho thấy bệnh nhân đã hồi phục tốt.

Sau 6 ngày can thiệp, sức khỏe bệnh nhân cải thiện, không khó thở, hết đau ngực, sinh hoạt ăn uống bình thường và được xuất viện vào ngày 4-12-2023. Ngày 18-12-2023, tái khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, các chỉ số tim mạch gần bình thường.

Theo bác sĩ Lý Ích Trung, TAVI là kỹ thuật được thực hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 2002 trên bệnh nhân hẹp van động mạch chủ khít bị từ chối phẫu thuật vì nguy cơ phẫu thuật quá cao. Đây được xem là phương pháp được chỉ định “cứu cánh” cho những bệnh nhân không thể chịu đựng cuộc phẫu thuật vì cao tuổi hoặc bệnh lý đi kèm phức tạp hoặc bệnh nhân bị từ chối phẫu thuật.

Bên cạnh đó, phương pháp ít xâm lấn này còn an toàn, hiệu quả, nguy cơ phẫu thuật thấp vì bệnh nhân không phải mổ dọc xương ức, không phải chạy máy tim phổi nhân tạo tuần hoàn ngoài cơ thể, không gây mê toàn thân nên cũng giảm thiểu nguy cơ biến chứng trong và sau mổ; giảm thiểu thời gian hậu phẫu, rút ngắn thời gian nằm viện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kịp thời cứu sống bệnh nhân 73 tuổi bị khó thở, ngất đột ngột

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.