(HNM) - Trong tác phẩm
Nhưng toàn bộ bản nhạc thất lạc từ lâu. Mấy năm qua, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cùng Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tìm kiếm nhạc phẩm ý nghĩa này mà chưa thấy. Cho đến một ngày cuối tháng 4-2011…
Nhà giáo Phạm Văn Nùng |
Lá thư và cuộc điện thoại ý nghĩa
Cuối năm 1945, không khí chuẩn bị cho Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (6-1-1946) thật náo nức. Cậu bé Phạm Văn Nùng khi ấy 11 tuổi, cùng với đoàn thiếu nhi Tô Hiệu (ngõ Lệnh Cư, phố Khâm Thiên) đã hát vang bài hát "Ngày Quốc hội" trên đường phố. "Đó là một niềm vui náo nức về một nước Việt Nam mới, độc lập, tự do, lan truyền tới cả trẻ con". Nhưng bản nhạc đã bị mất ngay sau đó…
Đến tháng 4-2011, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã bất ngờ và xúc động khi tìm lại được lá thư (từng thất lạc) do một nhà giáo về hưu tên là Phạm Văn Nùng gửi từ năm 2010 với thông tin, ông là nhân chứng từng hát một bài hát về bầu cử dịp Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (6-1-1946), không rõ tác giả và mong muốn được Hội Nhạc sĩ Việt Nam khôi phục, phổ biến. Người đã gửi lá thư đầy trách nhiệm công dân ấy - nhà giáo Phạm Văn Nùng nhớ lại: "Tôi đã hát lại toàn bộ bài hát qua điện thoại theo yêu cầu của anh Quân... Anh Quân cũng đã hát lại ngay trên điện thoại để tôi nghe lại".
Có thể nói, cuộc điện thoại giữa hai thế hệ từ một lá thư đầy trách nhiệm ấy đã trả lại cho âm nhạc Việt Nam một tác phẩm về bầu cử hiếm hoi, ý nghĩa, bổ sung vào di sản âm nhạc của một nhạc sĩ lớn là Đỗ Nhuận.
Bản nhạc “Ngày Quốc hội” của Nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Ảnh: Vương Anh |
Và sự trở lại của bài hát sau hơn 60 năm
Ông Phạm Văn Nùng nay đã ở tuổi 78, nhưng sự nhanh nhẹn, sôi động của một người yêu văn nghệ đã khiến ông như trẻ hơn đến 10 tuổi. Vợ ông cũng là một nhà giáo đã giúp chúng tôi lý giải vì sao bài hát này đã "sống" trong trái tim "cậu bé Nùng" hơn nửa thập kỷ qua. "Ông nhà tôi yêu văn nghệ. Ông ấy đã hát ru con, ru cháu bài hát này và nhiều ca khúc khác suốt mấy chục năm qua".
Còn ông Nùng thì khẳng định: "Có lẽ đây cũng là chuyện hy hữu, một cái duyên chăng? Nhiều bài hát tôi thích, mới từ những năm 1970-1972 mà nay đã quên nhiều. Riêng bài "Ngày Quốc hội", không hiểu tại sao tôi nhớ rành rọt đến thế, cả lời và giai điệu. Có lẽ là bởi, mỗi lần hát lại băn khoăn: Bài hát hay thế, vậy mà lâu nay không được vang lên. Do thất lạc chăng? Có thể nhiều người từng hát cũng nhớ, nhưng cuộc sống bộn bề, không ai nghĩ đến việc khôi phục nữa…".
Ông Nùng cất tiếng hát ngay lập tức, nhuần nhuyễn, truyền cảm: "Đâu quốc dân Việt Nam mau. Cùng nhau cầm lá phiếu mau. Ai đã hy sinh thân mình. Từng bênh vực dân chúng. Đâu quốc dân Việt Nam mau. Bầu lấy người ra chiến đấu. Ai vì dân, nước quên mình. Toàn dân chúng ta bầu…". Nhịp 2-4 (thường dùng cho hành khúc) như thiết tha, như giục giã mỗi người dân không chỉ tự hào thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình, mà còn phải bảo vệ đến cùng quyền thiêng liêng được cầm lá phiếu trong một đất nước độc lập, tự do.
Những từ cổ trong ca khúc như "quốc dân", "hoàn cầu"… cũng mang lại không khí của một thời lịch sử, không khí của Tuyên ngôn độc lập!
Sự trở lại của bài hát "Ngày Quốc hội" ngay trước thềm cuộc Bầu cử Quốc hội khóa XIII là một minh chứng cho tấm lòng của người dân luôn hướng về đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.