Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc giải phóng mang sắc màu hòa bình

Nguyễn Năng Lực| 08/10/2014 06:34

(HNM) - Trong lịch sử thế giới, rất ít thủ đô của một quốc gia được giải phóng khỏi quân chiếm đóng mà lại không phải trải qua những trận chiến đẫm máu với những tổn thất khủng khiếp cả về người và vật chất.



Tháng 4-1945, để giải phóng thủ đô Berlin, tiêu diệt phát xít Đức, Hồng quân Liên Xô và các nước Đồng minh đã phải huy động hàng triệu binh sĩ, sử dụng hàng chục vạn tấn đạn bom, hai bên chiến đấu dữ dội, biến Berlin thành bình địa. Hàng chục thủ đô, thành phố lớn ở các nước Châu Âu như Warsaw, Prague, Paris… cũng trong cảnh tương tự.

Trong lịch sử 1000 năm tồn tại và phát triển, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua 10 cuộc chiến tranh và một cuộc tổng khởi nghĩa chống ngoại xâm. Hầu hết những cuộc chiến tranh đó đều gây tổn thất nặng nề về người và của cho kinh thành. Chỉ duy nhất cuộc giải phóng ngày 10-10-1954 là thực hiện theo hình thức tiếp quản, không nổ súng, không có máu đổ. 

Đoàn văn công Quân đội trên phố Hàng Đào - Hàng Ngang. Ảnh tư liệu Tạp chí Xưa và Nay


Nhiều thế hệ người Hà Nội mãi đến sau này vẫn quen gọi ngày 10-10-1954 là ngày tiếp quản Thủ đô, ngày Bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản Thủ đô.

Theo nghĩa từ nguyên, "tiếp quản" là từ ghép Hán Việt, có hai thành tố, "tiếp" là tiếp nhận, và "quản" là quản lý. Ngày 10-10-1954, bộ đội Đại đoàn 308 Quân Tiên phong từ 3 hướng tiến vào Hà Nội tiếp nhận quản lý chính quyền do người Pháp bàn giao. Thực ra ngay từ ngày 2-10-1954, một đoàn cán bộ hành chính của ta đã vào Hà Nội ký nhận bàn giao mọi mặt với đại diện Bộ chỉ huy quân đội Pháp. Tiếp đó, một số phân đội của Đại đoàn 308 được lệnh vào trước để cùng với binh lính Pháp canh gác tại các địa điểm trọng yếu. Xem các phim tài liệu lịch sử về những ngày này, chúng ta có thể thấy cảnh bộ đội ta đội mũ nan, buộc quần ống túm, khoác tiểu liên Xì ten trước ngực tiến đến vọng gác, chào đáp lễ rồi đứng vào thay thế vị trí của người lính Pháp. Cảnh tượng rất hòa bình, thân thiện.

Thế nhưng, để có được cuộc tiếp quản không phải nổ súng ấy, nhân dân Việt Nam đã phải trải qua cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm gian khổ và trước đó là hơn 80 năm chống ách đô hộ thực dân với nhiều cuộc khởi nghĩa, nhiều cuộc vận động chống Pháp xâm lược liên tục diễn ra như truyền thống chống ngoại xâm sẵn có. Để có được ngày về trong tiếng hoan ca, trong nụ cười, ánh mắt tươi vui đón chào, cả dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, đã phải trải qua cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ gian khổ, từ thời kỳ phòng ngự qua thời kỳ cầm cự, tiến tới tổng phản công trên khắp các chiến trường, từ bưng biền Đồng Tháp đến Chiến khu Việt Bắc, từ chiến dịch Thu Đông năm 1947 đến Chiến dịch Biên giới năm 1950, để cuối cùng chói lòa Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", bẻ gãy, đánh gục ý chí xâm lược và tham vọng thống trị xứ sở Đông Dương nhiệt đới xanh tươi giàu có trong vai trò "ông chủ" của những cái đầu thực dân kiểu cũ. Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 dẫn đến Hiệp định Genève tháng 7-1954, để đến ngày 10-10-1954, bộ đội ta tiến quân trở về tiếp quản Thủ đô trong hòa bình.

Giải phóng Thủ đô năm 1954 trong hòa bình theo hình thức tiếp quản là một thắng lợi của đường lối quân sự, ngoại giao mang đậm truyền thống nhân văn, văn hóa của dân tộc ta. Trong kháng chiến chống Pháp, rất ít công trình kiến trúc, văn hóa của Hà Nội bị phá hủy do những hoạt động của quân kháng chiến. Suốt 60 ngày đêm chiến đấu trong lòng Liên khu I, bộ đội Trung đoàn Thủ đô và nhân dân cũng chỉ đục tường thông các nhà phố cổ làm đường giao thông. Chùa Một Cột, vài công trình Hoàng thành bị đốt cháy, phá hủy năm 1947 là do người Pháp. Thử tưởng tượng tháng 10-1954, bộ đội Việt Minh mở cuộc tiến công tổng lực để giải phóng Hà Nội theo kiểu "công phá Bá - linh", Hà Nội sẽ còn gì để lại cho mai sau? Nhưng điều đó đã không xảy ra, và Hà Nội vẫn còn đó Hoàng thành Thăng Long được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2010; vẫn còn đó Viện Viễn Đông Bác Cổ (Bảo tàng Lịch sử) với kiến trúc hài hòa kết hợp phong cách Đông Tây; vẫn còn đó quần thể đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, tháp Rùa lung linh soi bóng nước Hồ Gươm… cho con cháu nối đời chiêm ngưỡng, tự hào. Và hẳn đó cũng là một trong những lý do để cách đây tròn 15 năm (năm 1999), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã vinh danh Thủ đô Hà Nội là "Thành phố vì hòa bình".

Ngày 10-10-1954, bộ đội về "tiếp quản Thủ đô", đó là cách nói về phương thức hành động, nhưng về bản chất, đây thực sự là một cuộc giải phóng. Thủ đô Hà Nội được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của đội quân nước ngoài và chính quyền tay sai. Những tiềm năng phát triển được giải phóng cho Thủ đô bước vào vận hội mới, ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc giải phóng mang sắc màu hòa bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.