Chính trị

Hà Nội 70 năm qua góc nhìn của một chiến sĩ tiếp quản Thủ đô

Linh Phạm 03/10/2024 09:30

Ở tuổi 88, ông Nguyễn Ngọc Ky, một cựu thanh niên xung phong chống thực dân Pháp năm xưa vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông không giấu được cảm xúc bồi hồi khi nhớ lại những ký ức hào hùng năm xưa, đặc biệt là niềm tự hào khi là một trong những người đầu tiên trở về tiếp quản Thủ đô và chứng kiến sự đổi thay của Hà Nội 70 năm qua.

linhpham1.jpg
Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Ky (bên phải) trong ngày giải phóng Thủ đô. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những năm tháng hào hùng

Trong căn nhà nhỏ ở tổ 29 phường Thượng Thanh, quận Long Biên, ông Nguyễn Ngọc Ky đưa chúng tôi ngược dòng lịch sử. Ông Ky nhớ lại, năm 1953, ông đi thanh niên xung phong, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang vào giai đoạn quyết liệt nhất. Đó là giai đoạn quân đội ta mở chiến dịch Đông Xuân, miền Bắc mở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Khi gia nhập thanh niên xung phong, ông hành quân lên Việt Bắc. Từ Việt Bắc, đoàn thanh niên xung phong hành quân ra Tây Bắc để làm đường kéo pháo vào Điện Biên Phủ. Ở thời điểm này, ông tham gia Đại đoàn 308.

"Tôi rất may mắn được chọn vào Đại đoàn 308. Đây là Đại đoàn mạnh, tức là quân tiên phong. Đại đoàn chủ lực do Đại tá Vương Thừa Vũ làm Đại đoàn trưởng, khi tiếp quản Thủ đô xong thì Đại tá Vương Thừa Vũ được lên Thiếu tướng", ông Nguyễn Ngọc Ky kể.

Trung đoàn của ông Ky do đồng chí Phạm Hồng Sơn (sau này là Trung tướng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự - nay là Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng) làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Phạm Hùng Cư (sau này là Trung tướng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam) là Chính ủy. Ông Ky chia sẻ, bản thân may mắn khi được dẫn dắt bởi các tướng lĩnh tài ba, nên khi chiến đấu, những người lính như ông đều rất vững tâm. "Từ Trung đội trưởng, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng đều một lòng, một dạ tin tưởng đi theo và trung thành. Chúng tôi - những người nông dân ở nông thôn đã được giác ngộ cách mạng, yêu nước".

Cho chúng tôi xem bức ảnh cùng người bạn, cựu chiến binh Hồng Vân, cùng Trung đoàn, ông Ky tự hào kể: "Ông Hồng Vân đã tham gia trong trận chiến 60 ngày đêm khói lửa của Hà Nội hồi năm 1946 cùng quân, dân Thủ đô Hà Nội. Ông Vân là người Hà Nội, rồi sau đó cũng lên chiến khu Việt Bắc. Ông Vân luôn có một niềm tin rằng chúng ta nhất định chiến thắng, nên ngày trở về tiếp quản Thủ đô, chúng tôi xúc động lắm. Ông ấy hẹn tôi khi Thủ đô giải phóng sẽ gả em gái ông ấy cho tôi. Hồi đấy, tôi 18 tuổi, em ông Vân mới 10 tuổi. Rồi sau đó, chúng tôi chuyển nhà ở chỗ khác, có thời gian chẳng liên lạc với nhau vì không có điện thoại như bây giờ. Khi tôi tìm được thì cô em gái ấy đã có người yêu rồi" , ông cười khi nhớ lại chuyện cũ với đồng đội.

linhpham2.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Ky (người đứng sau chiến sĩ cầm cờ) cùng đơn vị tiến vào tiếp quản Thủ đô. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Kể về ký ức hào hùng trong ngày tiếp quản Thủ đô, ông Ky không giấu được cảm xúc bồi hồi, bởi đó là phút giây thực sự hạnh phúc, thực sự khó quên khi được trở về với Thủ đô thân yêu trong tâm thế của người chiến thắng.

"Khi về tiếp quản Thủ đô, chúng tôi hành quân bằng đường bộ, và đi bộ đến ngày 9-10 thì đã tập kết ở Đông Dương học xá. Đến sáng ngày mùng 10 thì bắt đầu hành quân từ phố Bạch Mai qua Ô Cầu Dền vào phố Huế, qua Hàng Bài rồi qua bờ Hồ, vòng quanh bờ Hồ, đi sang phố Quang Trung đến Trần Hưng Đạo, tiến về khu Đấu Xảo (Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô)", ông Ky kể lại. Các Trung đoàn tiếp quản Thủ đô tiến vào Thủ đô theo nhiều hướng.

Ông Ky còn nhớ rõ quang cảnh Thủ đô lúc đó: "Chúng tôi đi từ phố Bạch Mai vào thì hai bên đường đã đông đặc người chào đón với cờ hoa. Nhiều người kéo đàn Accordion (Phong Cầm) hát rất say mê chào đón bộ đội tiến về Thủ đô".

Trung đoàn 36, thuộc Đại đoàn 308 của ông Ky rất may mắn khi lộ trình hành quân đi qua các tuyến phố chính, đi đến đâu người dân ào ra đường đến đấy và sẵn cờ hoa, đàn nhạc... Những người lính làm nên chiến thắng Điện Biên không khỏi xúc động trước sự chào đón của người dân Thủ đô.

Trong ngày 10-10, sau khi tiến vào Thủ đô, ông Ky cùng đồng đội chuẩn bị chỗ ăn chỗ ở, đến 15h chiều, cả đơn vị tập trung ở sân vận động Cột cờ Hà Nội để chào cờ.

"Tự hào nhất là khi quốc kỳ cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh cột cờ Hà Nội, đánh dấu một mốc son quan trọng trong lịch sử Việt Nam và tuyên bố với thế giới rằng Thủ đô Hà Nội đã hoàn toàn được giải phóng", ông Ky nói.

Sau đó, đơn vị của ông Ky được chia thành nhiều đoàn đi giúp đỡ nhân dân, đi vận động nhân dân, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong những ngày Hà Nội vừa giải phóng; bắt tay cùng xây dựng, dọn dẹp thành phố...

Sau ngày 10-10, ông Ky kể, có rất nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ được diễn ra. Ông cho biết, đơn vị được lệnh tập luyện duyệt binh để chuẩn bị cho ngày 1-1-1955 diễu binh qua quảng trường Ba Đình, lúc đó, kỳ đài tại Quảng trường còn được đóng bằng gỗ. Sau đó, đơn vị của ông rút ra khỏi Hà Nội để nhường cho các đơn vị khác làm nhiệm vụ.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng quà thương binh Nguyễn Ngọc Ky. Ảnh: Mai Hữu
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng quà thương binh Nguyễn Ngọc Ky nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Mai Hữu

Thủ đô đã khoác lên mình một diện mạo mới

Ông Ky chia sẻ, mặc dù ông không phải là người Hà Nội gốc, nhưng từ ngày về tiếp quản Thủ đô, ông đã quyết định ở lại và gắn bó với Thủ đô. Ông chứng kiến Hà Nội từ những ngày đầu kiến thiết sau giải phóng.

"Tôi đóng quân ở Bạch Mai, trước đây, ở Bạch Mai còn có đường sắt để xe lửa chờ hàng quân sự đi qua đường Trường Chinh vào sân bay quân sự Bạch Mai. Đường ấy ngày xưa cấm không được đi lại, và chúng tôi ra Ngã Tư Sở để luyện tập ban đêm. Con đường từ Ngã Tư Sở đi thị xã Hà Đông, hai bên là đồng ruộng, chưa có nhà cửa phố xá như bây giờ. Ngay cả ở Nguyễn Chí Thanh (quận Cầu Giấy ngày nay) hay đoạn gò Đống Đa, từ đường Sơn Tây nhìn sang tận đường Bách Khoa đều là ruộng. Nhà cửa thì đều là nhà một tầng, thỉnh thoảng có nhà hai tầng. Phố Hàng Ngang, Hàng Đào sầm uất hơn chút so với các khu vực khác trong thành phố", ông Ky nhớ lại.

Kể về hình ảnh Hà Nội những năm kháng chiến chống Mỹ, ông Ky cho biết, từ Ngã Tư Sở xuống Hà Đông, hai bên đường hầu như không có nhà cửa, hai bên là ruộng, người di chuyển chủ yếu bằng tàu điện và xe đạp, xe đạp cũng rất ít, phải là người khá giả mới có. Hà Nội lúc đó mới chỉ có vài khu tập thể như Cao Xà Lá, Trung Tự, Kim Liên... Nước máy cũng chưa được kéo vào tận nhà...

"Cho nên, sự đổi thay của Hà Nội ngày nay hết sức to lớn. Sau 70 năm, Thủ đô đã khoác lên mình một diện mạo mới, một bộ mặt mới trên tất cả các lĩnh vực, trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục lớn nhất của cả nước", ông Ky nhận định.

linhpham.jpg
Những người con gái, con dâu của ông Nguyễn Hồng Ky đều làm trong ngành giáo dục của Thủ đô. Ảnh: VGP/Minh Anh

Đối với công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công, ông Nguyễn Ngọc Ky cho biết, bản thân ông là thương binh trong kháng chiến chống Mỹ, các ngày lễ, Tết, ngày kỉ niệm lớn của đất nước, tổ dân phố luôn quan tâm các gia đình có công với cách mạng. Ông Nguyễn Ngọc Ky khẳng định, bản thân sẽ tiếp tục phát huy phẩm chất đạo đức cách mạng, tinh thần tiền phong, gương mẫu, tích cực động viên con, cháu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền địa phương và bồi dưỡng, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Mỗi dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô, ông Nguyễn Ngọc Ky lại bồi hồi nhớ lại những ngày tháng hào hùng năm xưa. "Năm nào cũng vậy, tôi hay xem lại các bộ phim về các đoàn quân tiến vào giải phóng Thủ đô, chỉ cho các cháu xem phim tư liệu và tự hào giới thiệu, kể lại những thời khắc lịch sử của Hà Nội cách đây 70 năm", ông Ky chia sẻ.

Nhớ về đồng đội, ông Ky cho biết, trước đây, đồng đội các ông vẫn hay tụ họp, nhưng bây giờ đều đã tuổi cao, sức yếu, có người còn, có người mất. Dịp kỉ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đến thăm hỏi ông, báo chí đưa tin thì ông nhận được nhiều cuộc gọi của đồng đội.

"Nhiều đồng đội lâu năm tôi chưa gặp lại, giờ liên lạc được với nhau tôi rất vui mừng. Đồng đội "vào sinh, ra tử" với nhau, giờ trở về thời bình rất tình cảm, rất yêu thương, chân thành, sống tốt với nhau. Tôi đã hứa với Chủ tịch UBND thành phố sẽ cùng đồng đội cố gắng rèn luyện sức khỏe, trí lực để tiếp tục đóng góp cho Thủ đô", ông Nguyễn Ngọc Ky nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội 70 năm qua góc nhìn của một chiến sĩ tiếp quản Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.