(HNM) - Cuộc đua vào ghế Thủ tướng nước Anh đã đi đến giai đoạn cạnh tranh quyết liệt sau nhiều vòng bỏ phiếu tín nhiệm để loại dần các ứng cử viên. Theo đó, với danh sách rút gọn chỉ còn lại cựu Ngoại trưởng Boris Johnson và đương kim Ngoại trưởng Jeremy Hunt.
Ông B.Johnson (trái) và Ngoại trưởng J.Hunt. |
Hai ứng viên này vừa có bài phát biểu quan trọng trước các thành viên đảng Bảo thủ tại thành phố Birmingham, miền Trung nước Anh. Sự kiện này được coi là "trận đấu cuối cùng" giữa hai ứng cử viên để tìm ra chủ nhân Ngôi nhà số 10 phố Downing.
Đây là cuộc tranh luận đầu tiên trong chuỗi 16 cuộc tranh luận sẽ được tổ chức trên khắp cả nước. Theo đó, hai ứng cử viên hàng đầu này sẽ rời thủ đô London để thực hiện các chiến dịch tranh cử kéo dài một tháng nhằm kêu gọi sự ủng hộ của khoảng 160 nghìn thành viên đảng Bảo thủ, những người sẽ quyết định ai là lãnh đạo đảng - đồng nghĩa với việc trở thành thủ tướng Anh. Tên người chiến thắng sẽ chỉ được biết vào ngày 22-7 tới.
Ông B.Johnson, 55 tuổi, cựu Thị trưởng thành phố London và từng giữ chức Ngoại trưởng Anh, hiện đang chiếm ưu thế, với việc giành được hơn một nửa số phiếu ủng hộ của các nghị sĩ Bảo thủ trong cuộc bỏ phiếu vòng 5 hôm 20-6 vừa qua. Ngoại trưởng đương nhiệm J.Hunt thừa nhận, ông đang ở thế yếu hơn, song trong chính trị, những điều bất ngờ vẫn luôn xảy ra.
Theo các nhà phân tích, cuộc đua này đang lấy tâm điểm Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit, để cạnh tranh giữa các ứng cử viên. Ông B.Johnson và ông J.Hunt đại diện cho hai trường phái quan điểm về Brexit trong đảng cầm quyền. Trong khi cựu Ngoại trưởng B.Johnson khẳng định sẽ đưa Anh ra khỏi EU vào ngày 31-10 tới, bất kể có hay không thỏa thuận Brexit, thì Ngoại trưởng đương nhiệm J.Hunt hứa hẹn sẽ thuyết phục EU đàm phán lại về thỏa thuận rút lui của Anh, nhằm bảo đảm tiến trình Brexit diễn ra có trật tự. Ông J.Hunt tuyên bố sẵn sàng rời thời điểm Brexit, vào cuối tháng 10 tới nếu các nhà lãnh đạo châu Âu chấp nhận mở lại các cuộc đàm phán.
Tuy nhiên, ông cũng không loại bỏ kịch bản Brexit không thỏa thuận nếu châu Âu từ chối đàm phán lại. Ông B.Johnson, trong các chiến dịch vận động, vẫn luôn cho thấy mình là “vị cứu tinh” của tiến trình Brexit. Ông cũng cảnh báo nước Anh sẽ không trả phí “chia tay”, ước tính khoảng 40 đến 45 tỷ euro và khẳng định sự ra đi không thỏa thuận sẽ không dẫn đến những quy định mới về thuế quan.
Trong bối cảnh này, EU đã cảnh báo trước “sự lạc quan thái quá” của hai ứng cử viên. Trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit Michel Barnier nhận định, thủ tướng mới của Anh vẫn sẽ phải đối mặt với vấn đề đường biên giới Ireland sau Brexit. Theo ông M.Barnier, quản lý biên giới Ireland là việc nhạy cảm và đòi hỏi cần có một giải pháp “chốt chặn” khẩn cấp. Thỏa thuận Brexit gặp trở ngại tại vòng phê chuẩn của Quốc hội Anh cho thấy đây là yếu tố gây tranh cãi nhiều nhất trong các cuộc đàm phán “ly hôn” giữa Anh và EU.
Dư luận cho rằng, dù cựu Ngoại trưởng B.Johnson đang được xem là ứng cử viên triển vọng nhất trở thành thủ tướng Anh; song chưa rõ ông B.Johnson sẽ đưa nước Anh ra đi như thế nào khi Quốc hội nước này tuyên bố sẽ ngăn chặn việc Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận, trong khi EU khẳng định không đàm phán lại thỏa thuận đã nhất trí với Thủ tướng T.May hồi tháng 11 năm ngoái. Do vậy, theo các nhà phân tích, bất kể ai lên làm thủ tướng của nước Anh, nhân vật được chọn vẫn sẽ phải đối mặt với thách thức là hiện thực hóa Brexit.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.