(HNM) - Máu tiếp tục đổ, biểu tình tái diễn ở thủ đô Bangkok suốt 48 giờ qua, bất chấp việc Chính phủ tạm quyền của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra huy động hàng nghìn cảnh sát vào cuộc để giải tán người biểu tình tại những điểm nóng.
Dường như hành động bắt giữ hơn 100 người biểu tình của cảnh sát Thái Lan - lần đầu tiên số lượng lớn người biểu tình bị bắt giữ kể từ tháng 11 năm ngoái - không thể giúp lập lại trật tự ở Bangkok mà còn "đổ thêm dầu vào lửa" cho hành động quá khích của người biểu tình. Phớt lờ lệnh bắt giữ của Tòa án hình sự Thái Lan đã được ban bố, thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ Suthep Thaugsuban càng trở nên quyết liệt hơn. Không chỉ tiếp tục dẫn đầu hàng nghìn người biểu tình tiến tới khu vực tòa nhà Chính phủ nhằm cản trở kế hoạch trở lại làm việc của nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck cũng như các thành viên nội các, trong một tuyên bố ngày 19-2 thủ lĩnh Suthep khẳng định sẽ "săn đuổi" nhà lãnh đạo Yingluck đến cùng. Tuyên bố của thủ lĩnh biểu tình được cho là nhằm "trả đũa" tuyên bố Chính phủ Thái Lan sẽ sử dụng lực lượng cảnh sát để lấy lại các địa điểm cơ quan nhà nước bị người biểu tình phong tỏa. Theo đó, Chính phủ sẽ lần lượt kiểm soát lại các điểm chốt xung quanh tòa nhà Chính phủ và khu liên hợp cơ quan chính quyền ở Bangkok từng bị người biểu tình chiếm giữ. Điểm mấu chốt của kế hoạch là nếu người biểu tình kháng cự, cảnh sát được phép sử dụng vũ khí để bảo vệ. Đây là lý do khiến người biểu tình chống lại lực lượng cảnh sát khi họ bị yêu cầu dời khỏi tòa nhà Chính phủ.
Người biểu tình đối mặt với cảnh sát gần Văn phòng Chính phủ ở Bangkok. |
Chính trường đất nước Chùa Vàng lại rơi vào vòng xoáy bất ổn khó lường khi cuộc đối đầu quyền lực chưa có dấu hiệu kết thúc. Đáp lại sức ép của lực lượng biểu tình chống chính phủ do thủ lĩnh Suthep cầm đầu quyết loại bỏ "chế độ" Thaksin ra khỏi đời sống chính trường ở quốc gia hơn 65 triệu dân bằng mọi giá, nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck đang huy động mọi nguồn lực để duy trì quyền lực theo Hiến pháp. Những gì đang diễn ra tại Bangkok cho thấy, cuộc tổng tuyển cử ngày 2-2 vừa qua chưa giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Thái Lan.
Mặc dù Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) được trao quyền tổ chức các cuộc bỏ phiếu lại ở tất cả các đơn vị bầu cử chưa hoàn tất thủ tục trong vòng 6 tháng tới nhưng các thành viên cấp cao của Ủy ban này lại vừa khẳng định họ không thể thực hiện nhiệm vụ trừ khi Chính phủ tạm quyền ban hành sắc lệnh Hoàng gia mới về vấn đề này.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Pongthep Thepkanchana nhấn mạnh một sắc lệnh như vậy là không cần thiết, vì sắc lệnh về cuộc bầu cử ngày 2-2 vừa qua đã được ban hành trước đó và các cuộc bỏ phiếu lại có thể được tổ chức theo lệnh của EC. Nếu rắc rối này không được giải quyết, cuộc bỏ phiếu bổ sung dự kiến diễn ra vào ngày 27-4 tới khó có thể diễn ra. Điều này đồng nghĩa với việc Quốc hội Thái Lan sẽ không đủ tối thiểu 95% trong tổng số 500 nghị sĩ (tương đương 475 nghị sĩ) cần thiết để khai mạc phiên họp và bầu chọn lãnh đạo Chính phủ mới.
Giữa lúc chính trường Thái Lan đang ngổn ngang thách thức, nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck lại đối mặt với nguy cơ bị truy tố với tội danh thiếu trách nhiệm trong chương trình trợ giá lúa gạo và có thể bị bãi chức nếu được xác định là có tội. Theo cáo buộc của Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC), bà Yingluck đã phớt lờ những cảnh báo rằng chính sách trợ giá lúa gạo có thể tiếp tay cho tệ tham nhũng và gây thiệt hại lớn về tài chính khi Chính phủ nợ 3,99 tỷ USD tiền mua gạo của khoảng 1 triệu nông dân từ nhiều tháng qua. Thủ tướng Yingluck sẽ bị NACC triệu tập vào ngày 27-2 tới để nghe các cáo buộc liên quan. Dù chưa rõ NACC sẽ cần bao nhiêu thời gian trước khi ra phán quyết cuối cùng nhưng thông tin trên đã giáng mạnh vào uy tín của Thủ tướng đương nhiệm Yingluck trong bối cảnh "nước sôi lửa bỏng" hiện nay.
Theo Ủy ban Kinh tế quốc gia và phát triển xã hội Thái Lan, GDP xứ Thái chỉ tăng 0,6% quý cuối năm ngoái, thấp hơn nhiều 2,7% quý trước đó. Đây cũng là tốc độ thấp nhất kể từ đầu năm 2012, trong khi cả năm 2013 nền kinh tế hàng đầu trong ASEAN cũng chỉ tăng trưởng 2,9%. Nếu cuộc đối đầu chính trị không sớm kết thúc, hệ lụy của nó sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân Thái Lan mà còn kéo cả nền kinh tế đầu tàu ASEAN lao dốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.