Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc đấu trí Đông - Tây?

Lâm Phương| 16/03/2014 06:40

(HNM) - Ngày hôm nay 16-3 sẽ được ghi dấu trong lịch sử khi khu vực tự trị Crimea của Ukraine chính thức tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc có sáp nhập vào Liên bang Nga hay không. Mọi sự chuẩn bị, từ nội dung các lá phiếu, các điểm bầu cử, vấn đề an ninh đến việc bảo đảm tuân thủ các điều khoản luật pháp Châu Âu… đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng.

Người dân bán đảo Crimea ủng hộ trưng cầu dân ý về quy chế độc lập.



Với 58% là người gốc Nga, khả năng bán đảo có diện tích trên 26.000km2 này ủng hộ quy chế độc lập để hướng tới việc sáp nhập vào Nga được dự báo là rất cao. Điều đó khiến Crimea trở thành tâm điểm của dư luận quốc tế, của các cuộc gặp gỡ đối thoại đến phút chót giữa hai Ngoại trưởng Nga - Mỹ và cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngay trước giờ "G". Tuy nhiên, thế cờ mà Nga đang có nhiều lợi thế dường như rất khó bị đảo ngược. Song, sự chỉ trích gay gắt của phương Tây vì cho rằng hành động tại Crimea là không phù hợp với luật pháp quốc tế sẽ mở đầu cho một giai đoạn căng thẳng mới giữa một bên là Nga với bên kia là Mỹ và Châu Âu. Thực tế đang diễn ra đã khiến thế giới liên tưởng đến những gì từng xảy ra trong quá khứ cách đây chưa bao lâu.

Tháng 2-2008, sau rất nhiều nỗ lực can thiệp, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) cảm thấy mãn nguyện khi tỉnh Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Cộng hòa Serbia. Điều này cũng đồng nghĩa với kế hoạch của phương Tây nhằm kéo vùng đất này khỏi sự ảnh hưởng của Mátxcơva bước đầu thành công. Thế nhưng, với việc hậu thuẫn một hành động được xem là vi phạm Nghị quyết 1244 của HĐBA LHQ, Mỹ và EU phải đối mặt với một thách thức lớn về uy tín quốc tế khi mở đầu cho những vấn đề dân tộc mà các tác giả của kịch bản Kosovo không thể lường hết. Thời điểm đó, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Nga… phản ứng mạnh với quyết định chia cắt Serbia bởi họ nhìn thấy ở đó một tiền lệ nguy hiểm, kích động chủ nghĩa ly khai và phân biệt sắc tộc, dẫn tới những xung đột khó có thể kiểm soát. Những người chỉ trích coi đó là mầm mống chia tách làm phức tạp thêm tình hình những điểm nóng ở Cựu lục địa như xứ Basque (Tây Ban Nha), Bắc Ireland (Anh) và nhiều khu vực khác trên thế giới.

Bằng chứng là chỉ 3 tuần sau khi Kosovo tuyên bố độc lập, đã có hai vùng lãnh thổ ly khai ở Caucasus có động thái tương tự, đó là Abkhazia và Nam Ossetia. Đáng chú ý là trong tuyên bố của hai tỉnh vốn thuộc Gruzia này đều không quên viện dẫn trường hợp Kosovo và cho rằng Mỹ và EU không có lý do gì để từ chối nền độc lập của họ khi đã ủng hộ Kosovo. Đến lúc này, quân bài "domino" mà phương Tây đặt ra tại Kosovo đã bắt đầu có hiệu ứng. Giới phân tích cho rằng, trước đó, dù về khía cạnh lịch sử và cơ sở pháp lý, cả Abkhazia và Nam Ossetia đều hội đủ điều kiện độc lập hơn cả Kosovo, song Nga chưa từng công nhận nền độc lập của hai vùng lãnh thổ này. Thế nhưng, trước việc Mỹ và nhiều nước phương Tây công nhận Kosovo độc lập, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đẩy nhanh quá trình Đông tiến nhằm thu nhận thêm Gruzia và Ukraine thì thái độ của Mátcơva thay đổi là điều tất yếu.

Vì vậy, sự kiện tại bán đảo Crimea hôm nay suy cho cùng cũng rất giống "nước cờ" mà phương Tây đã từng áp dụng nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình ở Kosovo. Nếu lãnh thổ Nga được mở rộng đến hết bán đảo Crimea thì cũng có nghĩa là "giấc mơ" của NATO nhằm thu hẹp ảnh hưởng của Mátxcơva tại Biển Đen sẽ gặp nhiều trắc trở. Cụ thể là, với việc sở hữu căn cứ hải quân quan trọng tại Sevastopol cùng với 2 hải cảng Sukhumi và Poti của Nam Ossetia và Abkhazia, nếu chính phủ thân phương Tây ở Ukraine có đưa ra nhiều chính sách không có lợi cho Nga thì Mátxcơva vẫn không gặp nhiều khó khăn khi duy trì ảnh hưởng tại Biển Đen.

Vì vậy, với phương Tây, Ukraine và Gruzia là bàn đạp để mở rộng tầm ảnh hưởng qua Trung Á - một hành lang lý tưởng để kiểm soát các nước như Iran, CHDCND Triều Tiên và tiếp cận trực diện với Nga. Với Nga, bán đảo Crimea là một vùng đất có ý nghĩa sống còn với an ninh và lợi ích chiến lược của Mátxcơva. Thế nhưng, chắc chắn rằng cuộc đấu trí Nga - phương Tây chưa dừng ở sự kiện Crimea. Tuy nhiên, sự việc sẽ đi đến đâu lại hoàn toàn phụ thuộc vào cách hành xử từ hai phía trong thời gian tới.

Bạo loạn gây thương vong tại miền Đông Ukraine

Ngày 15-3, cảnh sát Ukraine cho biết, 2 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ tại thành phố Kharkov nói tiếng Nga ở miền Đông nước này. Đây là vụ bạo loạn gây chết người thứ hai trong 2 ngày qua tại miền Đông Ukraine trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực này gia tăng trước thềm cuộc trưng cầu dân ý ở nước Cộng hòa tự trị Crimea vào ngày hôm nay (16-3). Quan ngại về tình hình bạo loạn, ngày 15-3, Nga đã hối thúc Ukraine cấm các nhóm dân tộc cực đoan kiểu Stepan Bandera - thủ lĩnh phong trào dân tộc Ukraine bị Mátxcơva cáo buộc là cùng phe với Đức quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ hai - hoạt động. Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksander Turchinov cho rằng các đặc vụ Nga đã kích động bạo lực chết người ở các thành phố miền Đông nước này.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đấu trí Đông - Tây?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.